Thế giới giật mình…
Công ty Luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama có “chân rết” tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều “thiên đường trốn thuế” như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin… Từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12-2015, Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ khách hàng che giấu tài sản và rửa hàng tỷ USD tiền mặt. Vụ việc vỡ lỡ khi 11,5 triệu tài liệu mật có liên quan đến 214.488 công ty và 14.153 khách hàng của Mossack Fonseca được chuyển cho báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, rồi tờ báo này chuyển cho nhóm phóng viên thuộc Hiệp hội các phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) ở các nước tiếp tục điều tra.
Cho dù tính xác thực của thông tin được tiết lộ từ Hồ sơ Panama còn gây tranh cãi và cần kiểm chứng, điều tra, song ngoài Thủ tướng Iceland-David Gunnlaugsson tuyên bố từ chức, đã có những nhân vật tên tuổi trên thế giới phải ra đi như ông Michael Grahammer-Giám đốc điều hành Ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo; ông Juan Pedro Damiani-thành viên Ủy ban đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA)… sau khi bị cáo buộc hoạt động rửa tiền, trốn thuế thông qua những công ty “bình phong” ở nước ngoài. Bởi những thông tin ban đầu được công bố sau khi nghiên cứu kho dữ liệu khổng lồ của Công ty luật Mossack Fonseca đã thấy có tên của khoảng 200 nhân vật nổi tiếng bao gồm 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, nhiều ngôi sao thể thao... trong danh sách “khách hàng” của công ty này. Mới đây nhất, Thủ tướng Anh-David Cameron thừa nhận từng sở hữu cổ phần trong một quỹ đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 30.000 bảng Anh do người cha quá cố mình thành lập, có tên trong hồ sơ Panama. Thủ tướng Malta-Joseph Muscat, Thủ tướng Pakistan-Nawaz Sharif… cũng đang bị sức ép từ chức vì những thông tin rò rỉ trong Hồ sơ Panama.

… Và chia rẽ
Một vấn đề đáng lưu ý là truyền thông thế giới đã rất qua loa khi đề cập đến thông tin về những nhân vật bị kết tội gian lận tài chính, trong đó có Tổng thống Ukraine-Pyotr Poroshenko, Quốc vương Saudi Arabia-Salman al Saud.., trong khi lại rất “nhiệt tình” tập trung vào Tổng thống Nga-Putin. Một điểm lạ lùng khác là cơn địa chấn này không hề lây lan đến Hoa Kỳ, trong danh sách này không thấy có những nhà lãnh đạo, chính khách và doanh nhân xứ sở “cờ hoa”. Phải chăng là có điều gì khuất tất hoặc là người Mỹ quá trung thực? Ông Craig Murray-cựu Đại sứ Anh tại Uzbekistan những năm 2002-2004 nhận xét, các nhà điều tra không hiểu sao lại dẫn nguồn tin từ những tổ chức vốn là “con đẻ” của Nhà Trắng hoặc CIA như Quỹ đầu tư Soros, Quỹ Rockefeller, Tập đoàn Carnegie... Ông Murray cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là những quỹ này tài trợ hầu như tất cả các cơ cấu doanh nghiệp khổng lồ của Hoa Kỳ-mà các phương tiện truyền thông phương Tây hiện chủ yếu do các doanh nghiệp lớn kiểm soát, vì vậy, nguồn thông tin có thể đã bị định hướng. Từ đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn những thông tin về tài khoản bình phong ở nước ngoài liên quan đến các công ty và doanh nghiệp phương Tây, nhưng người ta chỉ tập trung vào một số đoạn dường như liên quan đến Nga và cá nhân Tổng thống Putin. Chuyên gia tài chính người Đức-Ernst Wolff nhận định: Đứng đằng sau vụ việc Hồ sơ Panama là tình báo Mỹ. Do đó, các vấn đề về phương Tây chỉ là phần thể hiện cho có, còn tập trung chính vào 2 mục tiêu chủ yếu là triệt hạ Putin và các “thiên đường thuế” trên thế giới. Chính vì vậy mà Hồ sơ Panama đang làm xấu thêm mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa Nga, Trung Quốc… với các nước phương Tây. Những quốc gia này đều lên tiếng phủ nhận và cho rằng đây là một “âm mưu chính trị” của phương Tây.
Dù sao thì vụ rò rỉ Hồ sơ Panama chắc chắn tác động rất lớn tới cuộc chiến toàn cầu chống trốn thuế. Thủ tướng Canada-Justin Trudeau ngày 6-4 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng nền tài chính toàn cầu minh bạch hơn để những nhà đầu tư, chính trị gia giàu có không còn cơ hội lách luật trốn thuế. Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đang bắt tay vào điều tra những nhân vật xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Chưa kể, trang web của ICIJ cho rằng có rất nhiều công ty khác hoạt động tương tự như Mossack Fonseca, tức thành lập các công ty “bình phong” cho mục đích che giấu chủ sở hữu tài sản. Do vậy không loại trừ sẽ còn những “cơn địa chấn” tiếp theo.
Đăng Song