UBND Hà Nội trình Chính phủ phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và kinh doanh thương mại trên địa bàn. Thành phố chia làm 3 nhóm phải điều chỉnh. Nhóm một gồm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan trung ương và Hà Nội, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, giờ học và giờ làm gần như được giữ nguyên.

Theo UBND thành phố, giữ nguyên giờ làm của nhóm này là phù hợp với việc đưa đón, quản lý, chăm sóc con em của phụ huynh. Tuy nhiên, trong nhóm này, cán bộ công chức của cơ quan trung ương sẽ làm việc từ 7h30 đến 16h30, sớm hơn cán bộ, công chức của Hà Nội nửa giờ. Học sinh từ bậc mầm non tới THCS học từ 8 đến 17h, song các giáo viên phải bố trí nhận trẻ từ 7h sáng và trả đến 18h.

Nhóm hai, học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, buổi sáng học trước 7h kết thúc sau 18h đối với ca chiều.

Nhóm ba là trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị mở cửa từ 9h sáng và đóng cửa sau 19h.

Thành phố thống nhất việc đổi giờ sẽ thực hiện trên 10 quận và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Thời gian thực hiện từ đầu tháng 12 hoặc từ ngày 1/1/2012.

Theo lãnh đạo Hà Nội, phương án được thống nhất sau cuộc họp ngày 3/11 với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải. Việc điều chỉnh ngoài việc phải góp phần giảm ùn tắc cũng phải hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn nảy sinh đối với các nhóm thuộc diện thay đổi giờ học, giờ làm.

Cùng với phương án điều giờ, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp đã triển khai như quy định giờ hoạt động cho phương tiện vận tải cồng kềnh, xe lữ hành không hoạt động trong giờ cao điểm, hạn chế và không cấp mới giấy phép hoạt động cho taxi, thực hiện lòng đường dành cho phương tiện, vỉa hè dành cho người đi bộ...

Trước đó tại phiên họp báo Chính phủ chiều 5/11, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng đảm bảo an toàn, chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội trước hết thuộc trách nhiệm của UBND thành phố.

Quỳnh Anh