Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA)phát hiệnnhững vết đen khổng lồ trên mặt trời vào hôm 3/11 nhờ những bức ảnh do tàu theo dõi mặt trời Solar Dynamic Observatory (SDO) gửi về. Đây là nhóm vết đen lớn nhất trên mặt trời mà con người phát hiện kể từ năm 2005. Tới nay chiều rộng của nhóm - được đặt tên là AR1339 - đã gấp 17 lần đường kính trái đất.

Ngày 4/11, SDO phát hiện một cơn bão dữ dội trên tầng thượng quyển của mặt trời. Nó là một trong những cơn bão mạnh nhất mà ngôi sao trong Thái Dương Hệ có thể tạo ra. Nơi xuất phát của nó chính là nhóm vết đen AR1339.

Từ hôm 4/11 tới nay các nhà khoa học của Trung tâm Dự báo Thời tiết vũ trụ Mỹ đang theo dõi những vết đen trên mặt trời. Họ xác nhận rằng giờ đây AR1339 đang di chuyển tới phía đối diện trái đất nên phần lớn năng lượng của nó sẽ hướng về hành tinh xanh. Trong vòng mấy ngày tới rất có thể trái đất sẽ hứng chịu một trận bão từ mạnh khác do hoạt động của vết đen khổng lồ.

Vết đen trên mặt trời là những vùng tối trên bề mặt ngôi sao này. Độ sáng bề mặt vết đen chỉ bằng khoảng 1/4 so với vùng xung quanh và nhiệt độ của chúng cũng thấp hơn nhiều. Sự biến đổi từ trường cực mạnh là nguyên nhân gây nên vết đen mặt trời. Từ trường của vết đen tăng dần trong quá trình phát triển của nó.

Bão mặt trời (hay gió mặt trời) là hiện tượng các luồng hạt mang điện tích được giải phóng từ tầng thượng quyển của mặt trời. Do mang năng lượng cao, các hạt mang điện tích - bao gồm proton và electron - có thể thoát khỏi lực hấp dẫn của mặt trời. Sự tương tác giữa các hạt mang điện tích từ mặt trời với những đường sức từ của trái đất là nguyên nhân gây nên bão từ.

Quỳnh Anh (TH)