Từ đầu năm đến ngày 28-3, thành phố ghi nhận có 300 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 281 trường hợp mắc chân tay miệng, không có ổ dịch lớn; 12 trường hợp mắc ho gà; 2 trường hợp mắc não mô cầu, đã khỏi bệnh. Số lượng bệnh nhân mắc các bệnh đều không có tử vong và giảm so với năm 2015, có bệnh giảm sâu ho gà giảm 73% so với cùng kỳ.
Sở Y tế Hà Nội đã chủ động trong công tác phòng chống dịch, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể cả tuyến bệnh viện cấp trung ương) giám sát các ca bệnh truyền nhiễm, khi phát hiện có người mắc bệnh truyền nhiễm đã tổ chức ngay việc khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng theo đúng quy định. Tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố triển khai hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi ngờ nhiễm vi rút Zi ka và các loại bệnh khác.
Công tác tiêm chủng phòng bệnh: Các trạm Y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên hằng tháng. Các đơn vị được phân bổ vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) tổ chức tiêm bảo đảm an toàn tiêm chủng và an ninh trật tự tại các điểm tiêm. Hiện toàn thành phố đang tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Sởi-Rubella cho 129.000 đối tượng từ 16 đến 17 tuổi tại các trường THPT.
Thời gian tới thành phố bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch. Hiện tại có 246 máy phun và bình bơm tay; 1.766,5 lít hóa chất diệt muỗi; 18.560 lọ Abeta và 115 hộp Surmilarv diệt bọ gậy; 7.707kg Cloramin B. Ngành Y tế tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hại tại Hà Nội đến năm 2020”.
Phó giám đốc Hoàng Đức Hạnh cho biết: “Với đội phòng chống dịch cơ động, năm 2016 được nâng lên mức chuyên nghiệp hóa. Tại Trung tâm Y tế dự thành phố phòng có 5 đội phòng chống dịch cơ động, còn tại các Trung tâm y tế cấp huyện có từ 1-2 đội phòng chống dịch cơ động. Đây là đội được thành lập và được ví như lực lượng 141 của công an thành phố. Mỗi đội phòng chống dịch cơ động đều có bác sĩ lâm sàng, bác sĩ dịch tễ, bác sĩ phòng chống dịch, có bố trí ô tô riêng, có lái xe thường trực, có các thiết bị máy móc, máy phun trên xe. Vì vậy, khi nhận được thông tin về dịch bệnh, đội này lập tức lên đường, tiếp cận và triển khai các biện pháp giám sát dịch… Khi phát hiện có người mắc bệnh truyền nhiễm sẽ tổ chức ngay việc khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng. Ngoài ra, thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, nhất là hành khách đến từ vùng có dịch như vi rút Zika, cúm A, Ebola, MERS-CoV, trong đó đã bố trí cán bộ y tế, bố trí 2 máy đo thân nhiệt và lập 2 phòng cách ly tại sân bay để sẵn sàng xử lý các tình huống nghi mắc bệnh”.
Bài và ảnh: An Hà