50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đường Hồ Chí Minh trên biển” luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Lữ đoàn M25 (2 lần), 5 tàu vận tải và 8 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND; 38 tập thể và 231 cá nhân khác được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại.

Sự tích đảo Phan Vinh

Đảo Phan Vinh thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa mang tên người Anh hùng Nguyễn Phan Vinh thuộc Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn M25, Hải quân).

Trưa ngày 27-2-1968, tàu 235 do Trung uý thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy rời bến tại Hải Phòng, mang 30 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Trung tại bến Hòn Hèo, tỉnh Khánh Hòa. Đêm 29-2, khi còn cách bờ 19 hải lý thì tàu 235 bị máy bay địch phát hiện. Chúng cho 7 tàu chiến ra bao vây với ý định bắt sống. Nguyễn Phan Vinh đã bình tĩnh lợi dụng đêm tối cho tàu luồn lách qua các tàu địch vào gần bờ và bí mật thả hàng xuống biển để trục vớt lại sau này. Cuộc săn đuổi quyết liệt, tàu 235 lúc ẩn lúc hiện, địch gọi là “tàu ma”, các thủy thủ đã anh dũng chiến đấu, bắn cháy 1 tàu và làm bị thương 1 tàu khác, ta có 5 đồng chí huy sinh và 9 người khác bị thương. Nguyễn Phan Vinh bị thương ở đầu, tàu lại hỏng máy, anh lệnh cho cán bộ chiến sĩ bơi vào bờ, sau đó cho tàu áp mạn tàu địch và huỷ tàu. Nguyễn Phan Vinh cùng 14 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.Trước đó, Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội vận chuyển được 11 chuyến, chở trên 300 tấn vũ khí vào Nam.

Nhớ ơn người anh hùng, một hòn đảo của huyện Trường Sa và hai trường tiểu học ở phường Thọ Quang (TP Đà Nẵng) và xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (quê hương anh) mang tên Phan Vinh.

Tự nguyện hy sinh cuộc sống

Đó là Anh hùng, Thiếu úy, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu, sinh năm 1932, chính trị viên tàu 54, Đoàn vận tải biển M25, Quân chủng Hải quân. Từ năm 1962 Nguyễn Văn Hiệu cùng đơn vị có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào chiến trường miền Nam. Trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm do tàu nhỏ, sóng to, gió cả và mưa bão, địch thường xuyên cho tàu tuần tra dưới nước, máy bay trinh sát, uy hiếp trên đầu. Nhiều chuyến phải chống chọi, vòng tránh dài ngày, anh vẫn động viên đồng đội xử lý các tình huống phức tạp hoàn thành nhiệm vụ, vận chuyển được 13 chuyến vũ khí an toàn vào chiến trường Khu 7 và Khu 9.

Trong chuyến đi từ ngày 15-3 đến 24-4-1972 vào Khu 9, các anh vượt qua được một trận bảo lớn thì lại gặp tàu địch. Chúng bao vây tấn công và kêu gọi đầu hàng. Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy đồng đội đánh trả, tiêu diệt nhiều tên địch. Khi hết đạn, anh yêu cầu thuỷ thủ rời tàu bơi vào bờ, còn mình ở lại phá huỷ tàu không để vũ khí lọt vào tay quân thù. Nguyễn Văn Hiệu, người con yêu của xã Thăng Phương, Thăng Bình, Quảng Nam vì nhiệm vụ của cách mạng đã tự nguyện hy sinh cuộc sống khi vừa tròn 40 tuổi.

Dùng tàu làm cột mốc

chủ quyền trên đảo Cô Lin

Thiếu tá Vũ Huy Lễ sinh năm 1946 tại xã Thái Thọ, Thái Thụy, Thái Bình. Anh nhập ngũ tháng 7-1965, được đào tạo tại Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Hải quân trong nước và ở Liên Xô. Năm 1982 anh làm thuyền trưởng tàu HQ505, loại tàu vận tải đổ bộ hạng lớn của Mỹ ta thu được sau ngày giải phóng miền Nam. Tàu tham gia chở người, lương thực phẩm, vật liệu và kéo cả tàu LCU556, pông tông Đ.02 ra chốt giữ đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 13-4-1988, Vũ Huy Lễ chỉ huy tàu HQ 505 ra chốt giữ đảo Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn, cùng đi có tàu HQ 604. Khi thấy tàu chiến của địch cắt ngang hướng tiến của tàu HQ 604 không thành chuyển sang chặn tàu HQ 505, Vũ Huy Lễ đã khôn khéo lừa địch đưa tàu HQ 505 tới sát đảo Cô Lin. Địch tăng thêm 2 tàu chiến ra khiêu khích, các thủy thủ tàu HQ 505 đã kiên quyết chiến đấu bảo vệ đảo. Sang ngày 14-3-1988 địch đổ quân lên đảo Gạc Ma, giật cờ của ta và bắn vào tàu HQ 604. Sau đó chúng quay sang tấn công, bắn hỏng HQ 505 và định đổ bộ lên đảo Cô Lin. Vũ Huy Lễ đã động viên anh em vừa chiến đấu vừa sửa tàu rồi nổ máy, mở hết tốc lực lao tàu lên đảo làm cột mốc chủ quyền. Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra quyết liệt. Biết không khuất phục ta, địch rút quân ra khơi xa. Tàu HQ 505 trở thành cột mốc chủ quyền trên đảo.

Tô Kiều Thẩm - Nhân Mùi