Chúng huy động tới hơn 3 vạn quân chủ lực, 450 xe tăng, 250 khẩu pháo, 700 máy bay, chia làm 3 hướng: Cánh quân chủ yếu vượt qua Lao Bảo đến Bản Đông; hai cánh còn lại dùng trực thăng đổ bộ xuống các điểm cao bên đường 9, đồng thời huênh hoang tuyên bố: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”…
Song suốt cả tháng ròng, địch vẫn không tới được Sê Pôn. Chúng tiến tới đâu là bị đánh tơi bời tới đó. Trên hướng chủ yếu của địch, trung đoàn 102 (của Sư đoàn 308) diệt gọn tiểu đoàn biệt động trên đồi 500; trung đoàn 64 (của Sư đoàn 320) tiêu diệt tiểu đoàn dù, đánh chiếm sở chỉ huy lữ đoàn 3, bắt sống đại tá lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ; trung đoàn 36 (Sư đoàn 308) diệt gần hết xe tăng, xe thiết giáp của thiết đoàn 17… Địch buộc phải đưa thêm thê đội 2 vào tham chiến thì Sư đoàn 2 của ta chặn đứng ngay Sư đoàn 1 ngụy ở Phu Rệt; Sư đoàn 324 vây chặt lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 ở các điểm cao 55, 532…
Ngày 7-3-1971, Trung tướng Hồng Cư (khi đó phụ trách công tác tuyên huấn mặt trận) báo cáo với Đại tướng Lê Trọng Tấn – khi đó là Tư lệnh trưởng mặt trận: “Việt Nam Thông tấn xã báo là quân đội Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn”… Chỉ nghe có thế, Đại tướng Lê Trọng Tấn (người được mệnh danh là “Giu-cốp Việt Nam”) đã nói ngay: “Địch sắp rút!”… Và ngay hôm sau, lời kêu gọi của Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận đã được truyền xuống các đơn vị: “Thời cơ chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận đã đến! Diệt và bắt sống thật nhiều địch! Phá hủy thật nhiều phương tiện chiến tranh của chúng! Đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719. Bảo vệ vững chắc con đường mang tên Bác, giành toàn thắng cho chiến dịch”…
Mười ngày tiếp đó, từ các mũi hướng, quân ta dồn dập tiến công. Ngày 18-3-1971, địch bỏ Bản Đông tháo chạy, và cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã bị đập tan!
NGUYỄN PHÚC ẤM