Có lẽ, bất cứ những ai đã trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, chắc chắn sẽ không thể quên được những cảm xúc về những ngày Tháng Tư lịch sử. 44 năm đã trôi qua nhưng vẫn còn đó bao mất mát, nỗi đau chưa lắng dịu những vết thương chưa thể hàn gắn. Vậy thì giới trẻ ngày nay có biết, hiểu và quan tâm đến? Giới trẻ nghĩ gì, cảm xúc ra sao trong những ngày này?

* Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nôi) - Sinh viên Trường đại học Sư phạm: Ai đó hoài nghi thế hệ trẻ hôm nay có nguy cơ lãng quên sự hy sinh của các bậc cha anh, và nếu chiến tranh xảy đến họ sẽ hèn nhát, bị động. Tôi không nghĩ vậy, dù rằng bản thân tôi còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm để nhìn nhận thấu đáo mọi thứ. Nhưng tinh thần yêu nước và lòng tự tôn của dân tộc sẽ được bùng cháy mạnh mẽ nhất trong thời điểm dân tộc cần. Ngày nay, trong hòa bình, thế hệ trẻ chúng tôi đang thể hiện lòng yêu nước bằng chính thành tích học tập, sáng tạo, bằng tinh thần làm việc và cống hiến.

* Lê Đình Khương (Nghệ An) - Sinh viên Trường đại học Vinh: Cha anh chúng ta đã mất bao nhiêu năm gian khổ, hy sinh để có đất nước thống nhất như hôm nay, có môi trường hòa bình để phát triển, tốt hơn. Những người trẻ như chúng cháu luôn luôn phải phấn đấu học tập và làm việc xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng và to đẹp hơn...

* Lê Hồng Liên (Cao Bằng) - Sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội: Tôi nghĩ, chiến tranh là điều khủng khiếp nhất của nhân loại. Và không may cho dân tộc Việt Nam khi phải trải qua nhiều cuộc chiến như vậy. Cho đến nay, sự chia rẽ trong lòng xã hội Việt Nam do hậu quả của chiến tranh vẫn còn rất lớn. Chúng ta vẫn còn phải nỗi lực rất nhiều để hàn gắn, để hòa giải, hòa hợp dân tộc. Vậy giới trẻ có lãng quên tất cả những điều đó không? Tôi nghĩ là không!

* Lê Nguyễn Trọng Linh (Hải Dương) - Sinh viên Trường đại học Xây dựng: Dù không được trải qua thời khắc lịch sử 30-4-1975, tôi vẫn rất tự hào và trân trọng. Và chắc chắn, như tôi, nhiều bạn trẻ khác cũng chung cảm xúc đó. Vì thế, tôi không nghĩ các bạn trẻ ngày nay đều thờ ơ với quá khứ. Có lẽ đó chỉ là một bộ phận những thanh niên sống thiếu trách nhiệm, không có lý tưởng và mục đích sống mà thôi. Hơn nữa, tôi nghĩ, chúng ta cũng cần xét đến bối cảnh xã hội để có cái nhìn thấu đáo. Xã hội ngày nay đòi hỏi thanh niên phải tích cực học tập, nâng cao chuyên môn để dựng xây, phát triển và đưa đất nước hội nhập. Ngày nay cần những thanh niên có trí tuệ và bản lĩnh để làm cho đất nước giàu và mạnh. Giàu và mạnh là biện pháp hàng đầu để bảo vệ Tổ quốc.

* Lê Văn Huy (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa): Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc luôn bền bỉ, kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Chúng cháu được sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà nhưng qua các tài liệu thì Chiến thắng 30-4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.

Đó còn là kết quả của nội lực bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam, của truyền thống văn hoá Việt Nam, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, các nước XHCN anh em và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ mà trách nhiệm của thế hệ sau phải biết phát huy truyền thống trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính Nhi - Đức Thanh (ghi)