Chăn nuôi tạo ra tài sản là việc làm không có gì đáng trách, thậm chí còn đáng khuyến khích. Tuy nhiên, khả năng tạo nên những khối tài sản lớn như nhà cửa, xe hơi từ nuôi lợn, gà là rất thấp. Vì nuôi lợn, gà ở quy mô công nghiệp thì có thể đem lại thu nhập khá, nhưng đa số người dân làm nghề chăn nuôi chỉ có thu nhập trung bình, thậm chí nghèo. Thời gian vừa qua, cả nước đã phải xắn tay vào “giải cứu” lợn. Điều đó có nghĩa, nuôi lợn giai đoạn này “thua nhiều hơn thắng”. Và như thế, những cán bộ giàu lên từ lợn, gà cũng là… đối tượng cần “giải cứu”?
Không ai cấm việc cán bộ có nhiều tài sản, nếu tài sản đó được tạo ra một cách chính đáng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những khối tài sản khổng lồ của một số cán bộ đương chức đương quyền đang sở hữu lại khó lý giải được nguồn gốc. Thường thì khi nào có đơn thư tố cáo, thì cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện kê khai mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không.
Câu chuyện giàu từ nuôi lợn, gà thể hiện những bất cập của việc kê khai tài sản hiện nay chính là cơ chế kiểm soát việc kê khai cũng như thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa được thường xuyên.
Không nhất thiết cứ là cán bộ thì phải sống vất vả. Tuy nhiên, nếu đã chọn công việc trong bộ máy chính trị, nghĩa là công bộc của dân, thì cán bộ không nên xây dựng cho mình một cuộc sống xa hóa, quá xa cách dân chúng. Hơn nữa, quy định pháp luật, đạo đức công vụ còn yêu cầu người cán bộ phải dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho công việc nên chuyện cán bộ tập trung làm giàu cho bản thân cũng đã là việc phi pháp.
Nếu việc thanh tra kê khai tài sản được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc thì những cán bộ thuộc diện phải kê khai sẽ tự giác, trung thực hơn. Vì nếu kê khai không trung thực, sẽ bị phát hiện và xử lý.
Huy Đăng