
**Những cái được của dự án trồng rau an toàn **
Khi dự án trồng rau an toàn về với Ngọc Lâm, người dân nơi đây không còn phải chịu đựng mùi khó chịu của phân tươi, phân bắc tưới bón cho cây rau nữa. Môi trường sống trong lành hơn, nguồn nước sinh hoạt được đảm bảo đã nâng cao sức khoẻ của người dân. Nhận thấy lợi ích của rau an toàn đem lại cho bản thân cũng như cộng đồng, CCB của Chi hội xóm Ngọc Lâm rất tích cực tham gia HTX và vận động người thân cùng làm.
Cán bộ của Sở Khoa học - công nghệ tỉnh, Trung tâm khuyến nông huyện Đồng Hỷ... xuống hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng rau an toàn cho bà con từ việc ủ phân, làm đất đến việc chăm sóc cây, diệt sâu bọ... Cùng với những kinh nghiệm sẵn có của bà con, năng suất, chất lượng rau được nâng lên đáng kể. Rau đã được bày bán tại cửa hàng và được sử dụng ở bếp ăn tập thể của một số cơ quan, xí nghiệp trong thành phố.
Lợi ích đã thấy rõ nhưng người trồng rau an toàn vẫn chưa cảm thấy “an toàn” cho thu nhập gia đình.
**Trồng rau an toàn chưa đem lại hiệu quả kinh tế**
Rau an toàn Ngọc Lâm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận rau an toàn vì đơn giản tỉnh Thái Nguyên chưa có cơ quan kiểm định chất lượng rau sạch. Muốn kiểm định, phải gửi rau về tận Hà Nội và có kết quả sớm nhất cũng phải mất từ 1 đến 2 tháng, có khi còn lâu hơn. Người trồng rau muốn đợi kết quả cũng không được vì... rau không đợi được.
Sản xuất ra không có nơi tiêu thụ vì giá cả rau an toàn cao hơn rau trồng theo phương pháp truyền thống và một phần là ý thức người tiêu dùng. Hai cửa hàng rau của HTX được mở ra đến nay đã phải đóng cửa do đem lại thu nhập thấp nên không có xã viên nào muốn ra bán rau sạch. Được hỏi tại sao không mua rau sạch, chị Thanh, khách hàng đang mua rau ở chợ Đồng Quang (TP Thái Nguyên) nói: “Với mức thu nhập của gia đình tôi, tiết kiệm được cái nào hay cái ấy. Vả lại, bây giờ có máy khử ô-zôn rồi, rau nào mà chả sạch”.
Đến nay, dự án rau an toàn ở Ngọc Lâm vẫn chưa đem lại hiệu quả, thiếu vốn người trồng rau lại quay ra mạnh ai nấy làm, tuy có áp dụng các kỹ thuật trồng rau sạch nhưng không phải ai cũng áp dụng một cách triệt để. Nhà xưởng sơ chế rau bỏ không, cửa hàng đóng cửa, lòng người chán nản... Bên cạnh đó, kênh dẫn nước tưới tiêu từ sông Cầu vào đồng rau của HTX đang dần bị ô nhiễm bởi có hàng chục hộ dân sống bên dòng kênh trực tiếp thải nước thải sinh hoạt ra.
Anh Tạ Văn Hùng, CCB, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Ngọc Lâm cho biết: “Lý do khách quan đem lại thì nhiều, nhưng cũng phải tự nhìn nhận trách nhiệm của Ban chủ nhiệm HTX chưa tìm ra được hướng tiêu thụ rau để bà con yên tâm sản xuất. Dẫu sao chúng tôi vẫn động viên bà con tiếp tục trồng rau đúng kỹ thuật”.
Hướng trồng rau an toàn là tất yếu và cần thiết, nhưng việc duy trì và phát triển rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để rau an toàn Ngọc Lâm có chỗ đứng trên thị trường.
Hồ Hương