Có đại biểu Quốc hội đã nói “Chúng ta không còn đường lùi”. Đúng vậy! Thử làm phép so sánh để thấy rõ. Nước ta là 2,8 triệu công chức; đó là chưa kể số làm hợp đồng, bán chuyên trách cộng lại người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước lên đến... 11 triệu người. Trong khi nước Mỹ dân số gấp 3,5 lần, diện tích gấp hơn 30 lần nước ta thì lại chỉ có 2,1 triệu công chức...
Tính ra cứ khoảng 8,5 người dân Việt Nam, cả người già và trẻ sơ sinh, đã có một người sống nhờ ngân sách. Thật khủng khiếp! Bởi vậy mà nguồn thu ngân sách chủ yếu dùng vào chi thường xuyên để nuôi bộ máy hành chính, còn rất ít để đầu tư phát triển. Tình trạng “làm chỉ đủ ăn” thế này thì làm sao đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Trong khi năng suất lao động xã hội của chúng ta thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, bộ máy hành chính của chúng ta tuy đông nhưng cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả.
Vậy bằng cách nào để có thể tinh giản biên chế? Có nhiều cách, nhưng trước hết chúng tôi xin đề xuất mô hình công vụ việc làm.
Trên thế giới hiện này có hai mô hình cơ bản về tổ chức công vụ: công vụ chức nghiệp (Career system) và công vụ theo việc làm (Job system).
Nước ta hiện nay cơ bản đang áp dụng theo mô hình chức nghiệp, là lựa chọn người vào một nghề cụ thể nào đó và tham gia công việc cụ thể trong tổ chức hành chính có thể theo người đó suốt đời, nên thường trì trệ, khó thích ứng với thực tế, nhất là không đáp ưng với thị trường đang vận động từng giờ, nảy sinh nhiều tiêu cực.
Ngược lại mô hình tổ chức công vụ theo việc làm, các công chức được tuyển dụng cụ thể và trực tiếp vào các vị trí công việc cần được thực hiện trong bộ máy công vụ. Cách thức tổ chức này đảm bảo tìm được đúng người phù hợp với công việc, hoạt động tuyển dụng vào công vụ diễn ra công bằng và khách quan hơn. Ngoài ra cách thức tổ chức công vụ theo việc làm còn kích thích được sự cạnh tranh lẫn nhau trong đội ngũ nhân viên hành chính, giúp hiệu quả công vụ được nâng lên, công chức phấn đấu để khẳng định năng lực của mình và qua đó có thể thăng tiến nhanh hơn.
Tuyển người vào bộ máy nhà nước thực chất là tuyển vào vị trí trống của một công việc nhất định, cho phép các cơ quan nhà nước dễ dàng thay đổi vị trí công tác của công chức theo yêu cầu công việc dựa theo thành tích, công trạng và năng lực thực tế của bản thân công chức.
Đổi mới mô hình này có tước đi khá nhiều “lợi ích” của nhiều cơ quan quản lý cán bộ, cho nên sẽ là rất khó.
Khó nhưng rất cần làm, vì “chúng ta không còn đường lùi”!
Nguyễn Hồng