Theo đó, ông Lê Văn Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong đã bị kiểm điểm, kỷ luật hình thức “khiển trách”. Tuy nhiên, với việc để mất 83,3 ha rừng trong địa bàn quản lý và đối chiếu theo quy định tại điểm b, Điều 13, Quyết định 44/2016/QĐ-UBND ngày 30-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thì ông Hà phải chịu hình thức kỷ luật “giáng chức”.
Ông Nguyễn Đình Dân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song bị kiểm điểm, kỷ luật hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm”; tuy nhiên để mất rừng trong địa bàn quản lý với diện tích 46,6 ha phải chịu hình thức kỷ luật “cảnh cáo.”
Các cán bộ kiểm lâm: Y Huân, Hoàng Đình Thái, Đỗ Thiên Long, Lâm Chí Hoàng (Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong), Nguyễn Hữu Nam (Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song) đã bị xử lý kỷ luật với các hình thức cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đối với vi phạm của các cán bộ kiểm lâm này, theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã đủ áp dụng hình thức kỷ luật “hạ bậc lương”.
Ông Nguyễn Hữu Tầm - Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang và ông Phạm Quốc Thụy - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, đã bị xử lý hình thức kỷ luật “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, ông Tầm để mất rừng trong địa bàn xã quản lý với diện tích 48,6ha thì phải chịu hình thức kỷ luật “cách chức”. Ông Thụy để mất 2,1ha rừng và một diện tích lớn rừng thông phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14, cũng phải xem xét lại hình thức kỷ luật.
Được biết, trước tình hình rừng bị tàn phá nghiêm trọng, ngày 30-12-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND quy định xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân để mất rừng theo từng mức độ rừng bị mất.
Vậy nhưng, các ngành, địa phương lại tùy tiện giảm án cho cán bộ dưới quyền vi phạm. Thử hỏi, còn gì là kỷ cương phép nước?
Quốc Sỹ