Người dân Hà Nội tận dụng ban công tập thể dục trong thời gian giãn cách.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược T.P Hồ Chí Minh cơ sở 3, cho biết: Giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến thói quen, hành vi của mỗi người, từ đó dẫn đến rối loạn tâm lý. Người cao tuổi là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.
“Các thông tin về Covid-19 như thiếu thực phẩm, thuốc men, bác sĩ, bệnh viện, tỷ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi... có thể khiến họ căng thẳng, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và con cháu” - bác sĩ Vũ nói.
Khi bình thường, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ cô đơn cao. Trong dịch, người cao tuổi càng tăng nguy cơ bị lo âu và trầm cảm khi rơi vào tình huống mất kết nối xã hội. Đối với những người không có gia đình hoặc bạn bè thân thiết, họ chỉ kết nối cộng đồng thông qua các hoạt động bên ngoài như tập thể thao ở công viên, đi lễ nhà thờ, đi chùa... nhưng các hoạt động này đang tạm ngưng. Ngoài ra, nhiều người già ít có khả năng tiếp cận mạng xã hội, khiến họ khó duy trì kết nối với người khác.
Có nghiên cứu cho rằng, những người lớn tuổi bị cô lập với xã hội có số lượng tế bào T (tế bào miễn dịch) thấp hơn và mức độ viêm cao hơn so với những người cao tuổi hòa nhập với xã hội. Do đó, trong giai đoạn này, chăm sóc sức khỏe tinh thần rất quan trọng với mỗi người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như người cao tuổi.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo: Người thân cần quan sát những biểu hiện của người cao tuổi để nhận ra sự thay đổi tâm lý ở họ. Đối với người lớn tuổi, đặc biệt là những người sống cô lập và bị suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, sẽ dễ trở nên lo lắng, tức giận, căng thẳng, kích động và thu mình hơn. Họ dễ cáu gắt, thích tranh cãi, lớn tiếng, hành vi bạo lực... Chúng ta có thể nhận ra sự căng thẳng ngày càng tăng ở người thân nếu họ sợ hãi vô cớ về những thứ khác ngoài Covid-19; ngủ không ngon hoặc giảm sức tập trung; tình trạng bệnh mạn tính trở nên xấu hơn hoặc có dấu hiệu gia tăng sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc giảm đau…
Để hỗ trợ tâm lý người cao tuổi trong giai đoạn này, cần có sự chia sẻ thông tin về đại dịch một cách đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng, giúp người cao tuổi cảm thấy thoải mái và bớt lo lắng hơn. Khuyến khích họ tạm dừng xem, nghe, đọc và tin tức về đại dịch, duy trì các hoạt động thể chất như tập thể dục nhẹ tại ban công, thiền, đi dạo trong sân vườn nếu có. Các hoạt động này có tác dụng tăng cường chức năng tế bào hệ miễn dịch và giảm viêm ở người cao tuổi. Khuyến khích các cuộc nói chuyện, sẻ chia những vấn đề với con cháu. Hướng dẫn người lớn tuổi gọi điện thoại thăm hỏi, trò chuyện video với bạn bè và người thân. “Giúp người lớn tuổi tham gia các hoạt động kết nối trong gia đình để không cảm thấy lạc lõng, cô đơn như cùng xem lại và sắp xếp các bức ảnh, kỷ vật cũ; ôn lại những kỷ niệm hạnh phúc; cùng nấu ăn, xem phim...” - chuyên gia chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ, không phải người cao tuổi nào cũng cảm thấy cô đơn, căng thẳng. Có những người lớn tuổi do có kinh nghiệm sống và tính cách mạnh mẽ, họ có thể kiên cường trong những tình huống như đại dịch.
Thành An