Doanh nghiệp (DN) thì cho đó là đất của mình, còn người dân cũng nhận đất đó đã được Nhà nước giao và khai thác từ nhiều năm… Theo khảo sát tại một số khu vực tranh chấp, diện tích mà người dân với DN tranh chấp với nhau khá lớn, lên tới hàng vài trăm héc-ta. Đã có hiện tượng ẩu đả, đổ máu vì tranh chấp mà không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến khiếu kiện nhau ra tòa án.
Chồng chéo lên đất của nhau?
Tiền thân là Công ty Thông Hương Khê, năm 2006, Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê (Công ty cao su Hương Khê) được chuyển đổi mô hình DN thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Cùng thời điểm chuyển đổi mô hình ấy, DN được tỉnh Hà Tĩnh giao gần 17.000 ha đất trên địa bàn 4 huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê để trồng cây cao su. Tuy nhiên, việc giao đất cho DN thực hiện trồng cây cao su lại chồng lấn vào cả diện tích khai hoang của người dân.
Theo bản án của TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa ông Lê Hữu Chí ở xóm 3, xã Hương Giang, huyện Hương Khê với Công ty cao su Hương Khê, thì diện tích tranh chấp là hơn 80 ha. Về mặt pháp lý thì năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao đất trồng rừng cho DN, tổng diện tích là 1.905,7 ha, trong đó tại tiểu khu 209, xã Hương Giang 84,1 ha. Năm 2009, do điều kiện thời tiết nên công ty chỉ khai hoang được 29,7 ha; năm 2010, công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2009 thì xảy ra tranh chấp khiếu kiện. Nội dung này ngày 17-7-2010, Nông trường Hương Giang đã có thông báo cho các hộ dân để thanh lý chuyển đổi, ngày 2-8-2010, công ty đã có Thông báo số 346 về việc khai thác tận thu rừng thông tại tiểu khu 209, ngày 3-8-2010, khi đang thực hiện khai thác tận thu thì xẩy ra xô xát giữa các hộ dân và công nhân Công Ty.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh ngày 8-9-2010, do ông Nguyễn Huy Lợi, Phó giám đốc Sở ký: Kết quả kiểm tra và các hồ sơ tài liệu của ông Lê Hữu Chí cung cấp không đủ căn cứ để chứng minh vùng đất rừng 80 ha mà ông Chí khiếu nại là thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Chí. Công tác lâm nghiệp trên địa bàn xã Hương Giang là cực kỳ nhạy cảm, viêc giải quyết tranh chấp giữa Công ty cao su Hương Khê và ông Lê Hữu Chí đã xảy ra nhiều lần và nhiều địa điểm. Năm 2009, đã xảy ra tranh chấp tại lô 17, khoảnh 6, tiểu khu 200, hiện tại đã có hồ sơ khởi kiện của công ty lên TAND huyện Hương Khê. Đoàn cũng đề nghị công ty tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân, phối hợp với các địa phương cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm hợp tình, hợp lý các hợp đồng kinh tế, hợp đồng khoán với người dân trước khi tổ chức thực hiện khai hoang trồng cao su. Sở NNPTNT Hà Tĩnh kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TNMT chỉ đạo Công ty cao su Hương Khê cắm mốc ranh giới ngoài thực địa đối với diện tích đã được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ theo đúng qui định.
Hay vụ tranh chấp của ông Ngô Đức Thanh, xóm 12, xã Hương Giang, thuộc tiểu khu 199 thì cũng đã có Quyết định số 2134/QĐ-UBND, ngày 16-11-1990 của UBND huyện Hương Khê giao, với diện tích là 6.618,8 ha diễn biến vụ xảy ra giữa hộ ông Thanh xóm 12, xã Hương Giang với lực lượng bảo vệ công ty. UBND huyện Hương Khê đã có Công văn số 78/UBND ngày 28-8-2012, chỉ đạo lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp để trồng rừng. Quá trình kiểm tra phát hiện thấy 5 hộ dân xã Hương Giang gồm ông Phan Văn Dượng, xóm 11; Ngô Đức Thanh, Đậu Đức Thìn, xóm 12; Đậu Lý, xóm 13; Nguyễn Quốc Hoa, xóm 11 đã tự ý vào khai thác, đốt phá rừng để trồng cây trái phép tại khoảnh 123, tiểu khu 199 từ đó đã xảy ra xô xát gây hậu quả thương tâm... Rồi vụ tranh chấp của một số hộ dân xóm 10, xóm 11, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê thuộc tiểu khu 192; 36 hộ dân tiếp tục ngăn cản, dẫn đến công ty đình trệ trong việc khai hoang và không thực hiện được trồng mới cao su theo kế hoạch năm 2012 và quý 1-2013 mà UBND tỉnh và tập đoàn công nghiệp cao su phê duyệt; vụ tranh chấp ở tiểu khu 161, thuộc địa bàn xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê xâm lấn đất lâm nghiệp trồng keo trái phép tại tiểu khu 161 hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng với tổng diện tích rừng đất lâm nghiệp bị xẻ phát 11,1 ha; vụ dân phát rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 159 thuộc địa bàn xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang và nhiều vụ tranh chấp khác đang xảy ra ở nhiều địa bàn các xã thuộc phần đất Công ty cao su Hương Khê được tỉnh Hà Tĩnh giao.
Những hệ lụy
Trong số những vụ tranh chấp, có những vụ dẫn tới hệ lụy hàng chục người dân, cán bộ bảo vệ, người lao động ở địa bàn huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn ẩu đả với nhau dẫn đến đổ máu…
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân việc người dân xâm lấn đất của DN thì có nhiều, nhưng mấu chốt do một số bộ phận nhân dân, cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức được cây cao su là cây kinh tế mũi nhọn; chưa đồng thuận với việc trồng cao su nên cản trở việc thực hiện dự án, hoặc có hành động xúc phạm, xâm lấn đất đai, chặt phá rừng vườn cây cao su làm cho “cây bay đá nhảy”, hủy hoại tài sản của DN kéo dài.
Theo ông Trần Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty cao su Hương Khê thì: Việc DN được giao đất trồng cây cao su là góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cuộc sống ổn định cho đại đa số bộ phận cán bộ và nông dân các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ. Thế nhưng từ việc khiếu kiện tranh chấp đất đai của người dân không có cơ sở pháp lý, đã gây ảnh hưởng đến sản xuất
DN sẽ bị kìm hãm sự phát triển, thậm chí có những ẩu đả xảy ra là không hay!
Cây cao su cây chủ lực phát triển kinh tế địa phương
Ông Trần Thanh Hà cho biết, vì là nơi vùng đất chảo lửa gió Lào, kèm theo nắng nóng kéo dài từ 37-40 độ C, DN đã phải biến từ khó khăn thành thuận lợi. Hiện nay DN đã tạo lập, phát triển được trên 3.413 ha diện tích trồng cây cao su. Năm 2012-2013, chuẩn bị trồng mới gần 1.000 ha, tạo giống tại chỗ 97 vạn cây. Các chỉ tiêu kế hoạch hầu hết đều hoàn thành 100%.
Kết quả khả quan trên đã khiến cho CNVCLĐ và nhân dân sở tại, nhất là được Nhà nước, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nhìn ra được hiệu quả để đầu tư vốn, có chính sách khuyến khích, phát triển ở nhiều vùng trọng điểm trên địa bàn.
Hiện nay đã có hàng trăm héc-ta cây cao su chuẩn bị cho khai thác mủ. So với cây trồng lâm nghiệp khác tăng gấp 2-3 lần giá trị trên đơn vị diện tích. Nhưng đổi lại kỹ thuật nuôi trồng cũng có những đòi hỏi khắt khe hơn. Bởi đặc tính cây cao su đòi hỏi cao hơn, nhất lại là môi trường đất đá, sỏi, nắng mưa hoành hành, bắt buộc phải am hiểu để xử lý môi trường trong lành, an toàn, lựa chọn giống, phân bón phù hợp và cách thức chăm sóc là những kỹ thuật rất quan trọng, quyết định năng suất chất lượng cho mỗi gốc cao su. Thêm nữa, chi phí dành cho chăm sóc trồng mới cao su lớn hơn nhiều so với cây thông, keo trên cùng một diện tích, nên đòi hỏi phải lựa chọn giống rất kỹ, tỷ lệ cây cao su sống ban đầu 100%, nhưng đến giai đoạn tiếp theo chỉ sống khoảng 65-70%.
“Hiện công ty đang từng bước khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, công ty vẫn được coi là DN có hiệu quả trong sản xuất cao hơn một số công ty trong nước. Hàng năm, triển khai khai thác gỗ keo, các dự án trên 100ha và trả nợ trên 3000 tấn sản phẩm nguyên liệu cho Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và HAVIHA” - ông Hà cho biết.
Được biết, chỉ tính giá trị đầu tư từ năm 2012 đến nay, Công ty cao su Hương Khê đã bỏ trên 141.193 triệu đồng, trong đó đầu tư các công trình XDCB 13.196 triệu đồng, đầu tư khác 5.540 triệu đồng. Tổng doanh thu 5.815 triệu đồng, lợi nhuận 150 triệu đồng và nộp ngân sách nhà nước 1.896 triệu đồng, nộp BHXH các loại 4.120 triệu đồng, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Với hướng phát triển cây cao su tiểu điền đã thực sự mang lại hiệu quả, thế nhưng tình trạng người dân ở một số địa phương tự tay chặt phá, tranh chấp đất đai không có cơ sở pháp lý, đã gây cản trở cho phát triển của Công ty cao su Hương Khê. Bởi vậy, nếu không được giải quyết những vướng mắc trên, sẽ rất khó để chủ trương phát triển cây cao su trên mảnh đất khắc nghiệt “gió lửa” được thuận lợi. Hơn bao giờ hết, rất cần một sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất rừng giữa người dân và DN.
Bài và ảnh: Đức Đạo - Anh Thi