Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, thì ngày 3-5-1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari đưa quân chiếm đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà… thuộc vùng biển Tây Nam Tổ quốc, giết hại trên 500 đồng bào ta. Để chặn đứng bàn tay sát nhân của tập đoàn Pôn Pốt, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 27-5-1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 U Minh chúng tôi giải phóng Hòn Ông, Hòn Bà. Thời gian này, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, anh Bảy Sa là Chính ủy trung đoàn.

Hòn Ông, Hòn Bà cách thị xã Rạch Giá 220km, cách Phú Quốc về phía tây 113km. Hòn Ông cao 51m, Hòn Bà cao 61m; hai hòn cách nhau 3km. Mỗi đảo dài 3.000m, chỗ rộng nhất 1.500m. Quân Pôn Pốt ở Hòn Ông có Tiểu đoàn 420, ở Hòn bà có Tiểu đoàn 410, trang bị có 10 khẩu ĐKZ82mm và 75mm, nhiều B.40 và súng máy.

Để tiến công giải phóng đảo, Trung đoàn tôi được tăng cường 2 khẩu 105mm, 11 tàu chiến PCF, 10 tàu há mồm (để chuyển quân), ba tàu vận tải, 12 máy bay ném bom A.37, bốn trực thăng vũ trang, hai máy bay trinh sát L.19, một trực thăng cứu thương. Yêu cầu của Bộ Chỉ huy chiến dịch là Trung đoàn đánh chiếm, làm chủ Hòn Ông, Hòn Bà trong vòng hai đến ba ngày.

Sau khi thống nhất cách đánh và hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 31-5-1975, Trung đoàn được lệnh xuất kích; nhưng tàu chở bộ đội mới rời bờ được một phần ba quãng đường thì biển động dữ dội, buộc chúng tôi phải quay về Phú Quốc và ngày 4-6 mới khởi hành tiếp. Toàn bộ đội hình đi vòng xuống phía nam Malaixia, sau đó căn tọa độ đi vòng lên, triển khai phương án tiếp cận hai đảo từ phía nam. Đã tính toán kỹ thời gian hành quân, thời điểm đổ bộ lên đảo, nên tôi lệnh cho tàu giữ ổn định tốc độ. Sau 12 giờ tàu chạy liên tục, nhưng chưa thấy bóng dáng đảo, tôi trao đổi với anh Hán - Hạm đội trưởng, có lẽ tàu đã đi chệch hướng và cho chỉnh lại hướng tiến. Bốn giờ sáng ngày 5-6, Tiểu đoàn 309 của Trung đoàn tiếp cận Hòn Bà. Tàu vào cách đảo 60m, tôi lệnh cho bộ đội nhảy xuống nước, lội vào, không lên đảo ở khu vực bãi cát trống mà chọn vị trí khác, đảm bảo bí mật. Theo cách đó, Tiểu đoàn 309 và lực lượng tăng cường lên đảo trót lọt, địch không hay biết gì.

Sau khi bộ đội lên đảo, ổn định đội hình chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309 Nguyễn Thanh Chiến báo cáo không thấy địch; tôi lệnh cho Tiểu đoàn khẩn trương đào ít nhất 300m công sự, để sáng ngày, khi quân địch phát hiện được, bộ đội đã có công sự để chiến đấu, hạn chế thương vong.

Ở hướng Hòn Ông, Tiểu đoàn 303 tiếp cận đảo muộn hơn. Khi tàu của ta tiếp cân đảo thì trời đã sáng, địch phát hiện được; lập tức chúng tôi lệnh cho tàu chở quân lao thẳng vào đảo. Bộ đội lên được bờ thì một tàu há mồm trúng đạn địch, bị chìm. Súng ở Hòn Ông nổ cũng là lệnh chiến đấu của bộ đội ta ở Hòn Bà. Đúng như dự đoán trước của tôi, bãi cát trống ở Hòn Bà là nơi địch bố trí trận địa phòng ngự với hỏa lực mạnh. Nếu chúng tôi đổ bộ lên bãi cát chắc chắn nằm gọn trong làn hỏa lực của chúng, thương vong là không tránh khỏi! Bộ đội ta tiến được chừng 100m thì địch tập trung binh - hỏa lực phản kích. Cũng từ đó, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt ở Hòn Bà, Hòn Ông. Ngay trong ngày 5-6, địch đã cho quân từ đảo Cô Tang đến tăng viện cho Hòn Bà. Tàu Hải quân ta bắn chìm 1 tàu PCF, bắn hỏng 1 chiếc khác, bắt 3 tên. Hết ngày 5-6, Tiểu đoàn 309 chỉ chiếm được một số điểm cao ở phần nam đảo Hòn Bà.

Từ ngày 6 đến 9-6, chiến sự diễn ra ác liệt chủ yếu ở khu vực bãi cát và xung quanh cao điểm 61 - nơi đặt sở chỉ huy Tiểu đoàn 410 của địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta thương vong ở đây. Liên tiếp mấy ngày đó, thời tiết xấu, máy bay chiến đấu và tàu chiến của ta không xuất kích được. Đến ngày 10-6, trời quang, biển lặng; không quân và hải quân hoạt động tốt, hỗ trợ cho Trung đoàn tôi đang vây chặt địch ở điểm cao 61. Trực thăng vũ trang của ta tiến công đoàn tàu chở quân của địch từ đảo Cô Tang tăng viện cho hai đảo và ném bom điểm cao 61.

Biết quân địch đã đến lúc sức cùng lực kiệt, chiều ngày 12-6, tôi phát lệnh tiến công, quyết tiêu diệt địch ở điểm cao 61 và một số vị trí quan trọng khác đang bị bao vây chặt. Tiểu đoàn 309 và các lực lượng tăng cường làm chủ toàn bộ đảo Hòn Bà, bắt hơn 700 quân Pôn Pốt, thu nhiều súng đạn, trong đó có 2 khẩu cối 106,7mm, 10 khẩu ĐKZ75mm và 8 khẩu ĐKZ82mm, 8 khẩu 12,7mm của địch bố trí trên bãi cát dài chừng 400m.

Sau khi làm chủ Hòn Bà, ngày 13-6, chúng tôi cho Tiểu đoàn 309 đưa 2 khẩu pháo 105mm mới được máy bay cẩu ra, đặt ở đảo Hòn Bà bắn sang Hòn Ông, chi viện cho Tiểu đoàn 303 và Tiểu đoàn 307 tiêu diệt Tiểu đoàn 420 - tiểu đoàn được mệnh danh là thiện chiến bậc nhất, tiểu đoàn “anh hùng” của Pôn Pốt. Cũng trong ngày 13-6, Không quân ta xuất kích ném bom sở chỉ huy Tiểu đoàn 420 quân Pôn Pốt, oanh kích tàu chiến của địch chở quân tăng viện, đánh chìm 1 chiếc.

Sau khi ta làm chủ Hòn Bà, tôi lập tức sang trực tiếp chỉ huy Trung đoàn đánh địch ở Hòn Ông. Sáng ngày 14-6, Tiểu đoàn 303 và Tiểu đoàn 307 tập trung toàn lực tổ chức cuộc tiến công cuối cùng, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đảo Hòn Ông, gồm 782 tên; làm chủ hoàn toàn Hòn Ông, thu hàng nghìn khẩu súng. Về phía ta, 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; hơn 80 đồng chí bị thương.

Sau khi đánh chiếm, làm chủ Hòn Ông, Hòn Bà, chúng tôi tổ chức cho bộ đội đi tìm dân cư trên đảo. Anh em tìm mãi chẳng thấy ai. Bao trùm khắp đảo là cảnh hoang vắng đến rợn người. Khủng khiếp và ghê rợn nhất bắt gặp những đống quần áo, chăn màn, xác chết của đồng bào ta tấp vào dọc mép biển. Anh em tập trung chôn cất xác chết, vệ sinh môi trường. Sau đó theo lệnh trên, chúng tôi để một phần Tiểu đoàn 309 ở lại chốt giữ bảo vệ Hòn Ông, Hòn Bà; lực lượng chủ yếu của Trung đoàn hành quân, dẫn theo đám tù binh về Phú Quốc.

Đại tướng Phạm Văn Trà kể, Duy Tường ghi