Ông Huỳnh Phi Long, con thứ trong 7 anh em (6 anh chị em bị địch bắt tù đày và người chị đi tập kết miền Bắc). Những người bị địch bắt tù đày trong cùng một gia đình trung thành tuyệt đối với tổ chức, với cách mạng “không phản bội xưng khai”. Anh trai cả Huỳnh Minh Yến, cán bộ hoạt động bí mật trong nội thành, bị bắt vì một tên “chỉ điểm” phản bội tổ chức. Trong tù, quân địch dùng mọi hình thức tra tấn dã man, vẫn không khai thác gì được ở ông. Vì thế, ngày 20/7/1965, quân địch mở phiên tòa xét xử, tuyên án tử hình ông Yến cùng với 3 cán bộ: Huỳnh Lắm; Huỳnh Văn Chơi; Phan Văn Cân; tại phiên tòa còn có bà Huỳnh Thị Hồng, bị kết án tù chung thân. Riêng ông Yến, quân địch chưa thi hành án tử hình, vì lý do phía Cách mạng đưa ra 2 tù binh sĩ quan VNCH, nên ông bị đày ra Côn Đảo tù biệt lập (tử tù)...
Ông Long kể: Tôi bị bắt cũng vì một tên “chỉ điểm” phản bội đồng đội, nếu không thì quân địch khó bắt được tôi. Dịp trước Tết 1969, khi cùng đồng đội trinh sát chuẩn bị trận đánh vào mục tiêu quan trọng của địch bên bờ sông Hàn thuộc địa phận quận Nhì, (Đà Nẵng). Biết tôi là sĩ quan biệt động Thành, quân địch dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì. Cuối cùng, chúng mở phiên tòa kết án tôi 15 năm tù đày ra Côn đảo. Trước mặt quan tòa, ông Long nói: “chúng bây còn tồn tại được bao lâu nữa mà nhìn tao ngồi tù”, “bọn bây nhốt tao ít năm, nhưng không lâu nữa Cách mạng sẽ bắt bọn bây vào ngồi tù thay tao”.
Tại Côn Đảo, ông Long thực hiện quan điểm đấu tranh với địch: “nhất Lý, nhì Lỳ, thứ ba Chống”. Cứ sáng mỗi ngày quân địch bắt các đồng chí mình trong tù chào cờ “nền vàng có 3 sọc đỏ”, các đồng chí mình và ông Long nhất quyết không chào; bắt lao động khổ sai, ông không đi. Bất lực trước hành động kiên trung của ông, quân địch nhốt ông vào chuồng cọp biệt lập để cách ly với đồng chí mình. Bọn cai ngục tiếp tục tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần vẫn không khuất phục được tinh thần anh hùng, đấu tranh kiên cường của Huỳnh Phi Long. Ông Long tiếp lời, trong tù tôi luôn ý thức rằng: muốn thắng bọn địch, lý trí mình phải minh mẫn, bình tĩnh, duy nhất một lời khai “trước sau như một” với bọn cai ngục và phải có bản lĩnh chịu đựng với mọi hình thức tra tấn tàn ác của địch. Chính vì vậy, các đồng chí mình trong tù luôn chuyền bảo, nhắc nhở nhau chung rèn ý chí, bản lĩnh tranh đấu kiên cường với tinh thần: Ghét thương, thù khổ, luyện tim./ Lò cao luyện thép, xà lim luyện người.
Hiệp định Paris ký kết ngày 27/01/1973, cuối năm 1973, tỉnh Quảng Đà tổ chức Đoàn Cán bộ 21 người, vào tận Lộc Ninh, (tỉnh Tây Ninh) và K3 căn cứ Khu 5 tại Tây Nguyên đón gần 200 người - Đoàn quân Chiến thắng trở về Căn cứ Trà My, (tỉnh Quảng Đà), trong niềm vui, cảm động chào đón của hàng ngàn đồng chí, đồng đội, cán bộ và nhân dân địa phương…
Nhớ lại ngày ấy, bắt gặp ánh mắt trong ngày đón anh, và sau này cùng chung lớp học Văn hóa và học tại trường Nguyễn Ái Quốc (nay Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khu vực III – Đà Nẵng), tình yêu giữa anh Huỳnh Phi Long với chị Nguyễn Thị Phương (trong 21 cán bộ) đã bén duyên kết thành đôi lứa vợ chồng (ảnh kèm heo). Quảng thời gian sau đó, tuy chức năng, công việc của 2 người có khác nhau, nhưng 2 con tim vẫn rộn ràng chung vui nhịp đập trọn tình, chung bước trên con đường vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, xã hội, tổ chức giao phó. Nay nghỉ hưu về lại với đời thường, sum vầy với con cháu, tình thương đó của người vợ chung thủy, đảm đang luôn sưởi ấm lòng anh khi những vết thương bị quân địch tra tấn trong tù tái phát, hành hạ mỗi khi trái gió trở trời...
Bảy anh em nghỉ hưu theo chế độ, tuy không sinh hoạt trong cùng tổ chức Hội CCB xã phường, nhưng ý chí kiến trung với cách mạng của người đảng viên, vai trò “CCB gương mẫu” của hội viên tiếp tục phát huy vào thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và cán bộ, nhân dân tín bầu, đảm nhiệm và hoàn thành tốt các chức danh công tác tại địa phương, vận động con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, hiến pháp của Nhà nước, quy định của địa phương.
Bài và ảnh: Nhân Mùi