Giá dầu mỏ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong bối cảnh nguồn cung ngày càng tăng từ Nga và I-rắc, còn nền kinh tế khu vực đồng Euro và Trung Quốc đang có dấu hiệu tụt dốc. Dự kiến giá dầu thô WTI giao tháng 2-2015 trên thị trường New York giảm 58 cent, tức 1,1%, xuống 52,69 USD; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2-2015 trên thị trường Luân Đôn giảm 91 cent, tức 1,6%, xuống 56,42 USD/thùng, đều là mức thấp nhất kể từ ngày 30-4-2009.
Có một cách lí giải thực tế là do thừa nguồn cung trong khi nhu cầu lại sụt giảm và kết quả là giá dầu mỏ đi xuống. Thực tế, công nghệ mới đã khiến việc trích xuất dầu từ các vùng nước sâu trước đây chưa từng nghĩ tới trở thành việc hoàn toàn có thể. Nhờ đó mà Mỹ-một “con nghiện” dầu mỏ đã trở thành quốc gia có thể tự cung tự cấp về năng lượng. Từ nhiều năm nay, nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ giảm từ từ nhưng vững chắc và đến tháng 11-2013, lượng dầu mỏ Mỹ sản xuất đã lớn hơn lượng dầu mỏ nước này nhập khẩu. Dự kiến, Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vào năm 2016 và hoàn toàn tự chủ về dầu mỏ vào cuối thập niên này.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc, vốn mang lại sự thúc đẩy mạnh mẽ giá nguyên liệu thô trên khắp thế giới, đang có mức tăng trưởng chậm lại.
Châu Âu cũng có vẻ sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái. Sự kết hợp của nguồn cung tăng mạnh từ Mỹ và nhu cầu giảm mạnh từ Trung Quốc và châu Âu chắc chắn sẽ khiến giá dầu giảm.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại đưa ra một quan điểm khác, theo đó, sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu thế giới thời gian qua có liên hệ tới những “bàn tay đen” đang thao túng thị trường nhằm tạo ra những tác động địa chính trị to lớn tới cục diện thế giới.
Tạp chí Chính trị thế giới trích dẫn lời nhà báo nổi tiếng Thomas Frieedman của tờ New York Times: “Người ta không thể nói chắc chắn rằng liệu liên minh dầu khí Mỹ-Saudi Arabia có phải là một sự cố ý hay chỉ là trùng hợp lợi ích ngẫu nhiên. Nhưng nếu đó không phải là một sự suy luận thì những gì chúng ta (Mỹ) đang cố làm với Tổng thống Nga Putin và Lãnh tụ tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khomeinei, chính là những gì mà người Mỹ và người Saudi Arabia đã làm đối với các nhà lãnh đạo trước đây của Liên Xô, đó là bơm dầu dồn họ đến “chỗ chết”.
Ý kiến này càng được củng cố hơn khi vào ngày cuối cùng của năm 2014, Washington đã bật đèn xanh cho các công ty Mỹ xuất khẩu các lô hàng dầu thô cao cấp mà không cần phải qua quy trình cấp phép, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố họ sẽ giữ nguyên sản lượng dầu, bất chấp việc giá dầu có đi xuống. Cần lưu ý, đa số thành viên Vùng Vịnh của OPEC là đồng minh thân cận của Mỹ.
Dầu mỏ và khí đốt chiếm 2/3 tổng xuất khẩu của Nga, đóng góp một nửa ngân sách Chính phủ và là công cụ quyền lực chủ chốt của Tổng thống Putin. Giá dầu thấp có thể sẽ đẩy Nga rơi vào suy thoái, với những tác động chính trị trong nước và quốc tế bất lợi cho ông Putin. Thực tế, chỉ vài tháng cuối năm 2014, Nga đã thiệt hại vài chục tỉ USD.
Iran cũng đối mặt với những thách thức tài chính nguy hiểm như thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát nhiều hơn, thêm nhiều áp lực cắt giảm trợ cấp và vị thế đàm phán hạt nhân sẽ bị suy yếu.
Cả Iran và Nga, vốn đang tham gia các cuộc cạnh tranh quyền lực với phương Tây, sẽ phải gánh chịu hậu quả của những thay đổi trên các thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, Venezuela quốc gia sử dụng dầu mỏ là một phương tiện để duy trì quan hệ hữu nghị với các nước Mỹ Latinh và sự ủng hộ trong nước đối với Chính phủ, cũng có một nền kinh tế đang gặp khó khăn và khó có thể chịu đựng được tác động từ các nguồn thu ngân sách giảm.
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc giá dầu thế giới đi xuống đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và đây là một phần hệ quả của sự thao túng mang động cơ chính trị. Ông Putin đã không đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào đã gây ra tình trạng rớt giá dầu; ông chỉ nói rằng “yếu tố chính trị luôn xuất hiện trong vấn đề giá dầu. Hơn nữa, trong một số thời điểm của khủng hoảng khi nó nổ ra khiến người ta có cảm giác hoạt động chính trị thường chi phối giá của các nguồn năng lượng”.
Điều không cần phải tranh cãi là không có hàng hóa nào có quyền lực chính trị, chiến lược và chiến thuật giống như dầu mỏ. Kể từ khi nó trở thành nhiên liệu chính của thế giới cách đây hai thế kỷ, dầu mỏ đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các sự kiện trên thế giới, châm ngòi cho các biện pháp cấm vận thương mại và các cuộc chiến tranh thuộc địa, hình thành cũng như phá vỡ các liên minh chính trị và luôn mang lại một sự biện minh cho các cuộc xung đột quốc tế. Thứ hai, trong khi Nga thiệt hại thì Mỹ và các đồng minh sẽ gặt hái các lợi ích địa chính trị, ít nhất trong ngắn hạn, từ sự sụt giảm giá dầu.
Nguyễn Đăng Song