Gia đình CCB Trần Xuân Lệ trong căn nhà tạm, dựng trên đất địa phương cho mượn sắp bị thu hồi.
Đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cảnh truân chuyên vẫn chưa buông tha CCB Trần Xuân Lệ (sinh năm 1949, trú tại khối 12, phường Cửa Nam, T.P Vinh, tỉnh Nghệ An). Ngôi nhà, hay nói đúng hơn là…“túp lều” của ông ở nhờ trên đất địa phương cho mượn sắp phải giải tỏa nhường cho dự án, khiến gia đình ông có nguy cơ đứng trước cảnh “màn trời chiếu đất”…
Cuộc ly hương và con đường trở thành người chiến sĩ giải phóng
Cảm nhận của chúng tôi khi gặp CCB Trần Xuân Lệ trong “căn nhà” dựng ven sông Vinh - đó là khuôn mặt hốc hác, khắc khổ như cuộc đời truân chuyên của ông. Ông Lệ quê gốc ở xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ thời còn là thanh niên, ông đã sang T.P Vinh tham gia Hợp tác xã (HTX) Vận tải đường sông.
Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn hết sức cam go, quyết liệt, ông Lệ cũng như bao thanh niên quê hương Xô Viết - Nghệ Tĩnh nhập ngũ. Sau những tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 14, Tỉnh đội Tây Ninh.
Tây Ninh là vùng giáp con đường tiếp tế từ Campuchia cho chiến trường Nam Bộ, cũng là nơi cách không xa Sài Gòn nên ông cùng đồng đội, quân dân nơi đây thường xuyên chống lại những cuộc càn quét của địch cũng như những trận mưa bom do máy bay Mỹ ném xuống. Hàng trăm đồng đội của ông ngã xuống nhưng ông là người may mắn khi không mảnh bom, mảnh đạn nào “hỏi thăm” cơ thể ông. Tháng 7-1975, sau khi đất nước thống nhất, ông xuất ngũ quay trở về tiếp tục làm việc tại HTX Vận tải đường sông. Nhưng khi ông trở về, mảnh đất ông ở (trước khi nhập ngũ) đã có người khác đến ở. Thấy họ đã ở ổn định lại thêm thân trai một mình nên ông Lệ cũng chẳng bon chen. Thời kỳ đó, HTX giao cho ông con thuyền để ông vừa làm việc, vừa làm chốn dung thân, ông Lệ chấp nhận với quyết định của HTX.
Gia cảnh cơ cực, không mảnh đất “cắm dùi”
Đến năm 1976, ông yêu cô gái Ngô Thị Hồng rồi nên duyên vợ chồng và cũng lấy luôn chiếc thuyền HTX cấp từ trước đó làm nhà ở. Cuộc sống của gia đình ông tưởng chừng viên mãn khi vợ chồng ông lần lượt sinh hạ 6 người con. Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang...
Năm 1978, trong một trận mưa bão lớn, con thuyền - cũng là căn nhà của gia đình ông đã bị dòng nước dữ nhấn chìm. Toàn bộ giấy tờ từ thời quân ngũ của ông cũng theo đó mà trôi theo dòng nước. Vợ chồng ông chỉ kịp bồng con dắt díu nhau lên bờ thoát nạn và thứ mà dòng nước dữ để lại duy nhất cho ông là tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Rồi những năm sau đó, biến cố cứ bám theo gia đình ông khi lần lượt ba người con vì nhiều lý do mà qua đời, khiến bà Hồng cũng ngẩn ngơ dần theo. Rồi HTX cũng giải thể! Thứ chắt góp lâu nay của vợ chồng ông cũng chỉ đủ mua một chiếc thuyền xi măng khác để lênh đênh sông nước kiếm kế mưu sinh và cũng là chỗ tá túc cho cả gia đình.
Đến năm 2013, ông được chính quyền địa phương quan tâm cấp đất ở để định cư theo diện chính sách ưu tiên. Nhưng ngặt nỗi bao năm bươn chài sông nước của gia đình ông, việc lo đủ bữa ăn hằng ngày đã khó nên lúc đó lấy đâu ra tiền để nộp tiền sử dụng đất. Vậy là ông lại phải mượn tạm mảnh đất thuộc quỹ đất của địa phương để dựng tạm căn lều ở. Đây cũng là căn nhà ở đến hiện tại của gia đình ông.
Các con lớn lên không mảnh đất cắm dùi, bọn nhỏ đến tuổi lấy vợ gả chồng nên chúng cũng ra ở riêng. Kể từ đó ông ở với vợ chồng người con thứ tư trong căn lều ven sông cho đến nay. Lên bờ nhưng ông vẫn phải bám theo nghề sông nước để kiếm con tôm, con cá lo từng bữa ăn cho người vợ ngẩn ngơ mắc thêm nhiều thứ bệnh khác.
Gia đình người con trai mà vợ chồng ông ở cùng cũng chẳng mấy may mắn. Cậu con trai cưới vợ được một thời gian thì người vợ đổ bệnh tâm thần. Kể từ đó, cả gia đình ông Lệ sống nhờ vào thu nhập chính từ người con trai làm nghề thợ sơn. Còn ông Lệ, ngày ngày vẫn bám lấy con sông, bắt con tôm con cá để sống qua ngày. Nhưng sức khỏe ngày càng yếu nên ông không thể vươn chài lưới ra xa, mà chỉ quanh quẩn gần bờ đi câu. Hôm may mắn thì bắt được cá to, bán đi cải thiện bữa cơm có thịt có cá; còn không may mắn thì ngày hôm đó chỉ có rau muống ven sông ăn kèm đôi ba con cá, con ốc ông đánh bắt được. Tiền người con trai làm ra cũng chỉ đủ mua thuốc chữa bệnh cho vợ, cho mẹ và tiền ăn học cho 2 đứa con.
Cả 6 con người ngày ngày sống trong căn lều được dựng bằng mấy tấm ván gỗ ép, phên nứa, nằm bên ven sông Vinh. Nhưng gần như sự cùng cực cuộc đời chưa buông tha gia đình ông. Gần đây, chính quyền thông báo mảnh đất gia đình ông mượn của địa phương nằm trong vùng quy hoạch thành đường ven sông Vinh. Theo quy định, toàn bộ nhà đất sẽ bị giải phóng mặt bằng mà không được tái định cư, đền bù. Vậy là, lại một tương lai mịt mờ, không chốn dung thân trước mắt bủa vây gia đình người CCB già.
Ông Lệ nói trong nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi già rồi nên chẳng sống được bao lâu. Nhưng vợ chồng đứa con trai với các con của nó mai mốt sẽ ở đâu đây? Bao năm nay lo bữa ăn hằng ngày đã khó, nếu bị giải tỏa không biết lấy đâu ra tiền mà mua đất, mua nhà cho chúng ở... Ước nguyện của tôi giờ chỉ mong sao địa phương xem xét, bố trí cho gia đình tôi mượn tạm mảnh đất nào đó làm chốn dung thân lúc cuối đời, khi căn nhà này bị giải tỏa…”.
Rời căn lều với ba chiếc giường ọp ẹp kê sát cạnh nhau khi trời chuẩn bị đổ mưa giông, chúng tôi thầm nghĩ, có lẽ cuộc đời của ông Lệ nó cũng giống như cơn mưa giông.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Chủ tịch MTTQ phường Cửa Nam, T.P Vinh cho biết: Mảnh đất gia đình ông Lệ dựng nhà ở lâu nay là mảnh đất địa phương cho mượn. Chính quyền sở tại và các cấp, ngành tại đây luôn quan tâm đến gia đình ông Lệ và đưa gia đình ông vào diện danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, ngặt nỗi là không có đất để bố trí. Với điều kiện kinh tế của gia đình ông Lệ hiện nay thì việc mua được đất để dựng căn nhà ở là điều bất khả kháng. Để tạo điều kiện cho gia đình ông Lệ có đất xây nhà, chúng tôi cũng đã đề xuất phương án dành cho gia đình mua một suất đất theo diện định giá. Nhưng vấn đề này lại thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn. Mà nếu có được duyệt mua, e rằng với điều kiện gia đình ông Lệ hiện nay thì… khó mà mua nổi đất!
Bài và ảnh: Xuân Hòa