Cũng như mọi năm, ngày 25-8-2011, nhân mừng thọ Đại tướng tròn “100 tuổi xuân” mọi người có mặt đông đủ ngay từ sáng sớm. Hôm ấy, vì điều kiện sức khỏe, Đại tướng vắng mặt mà chỉ có bác Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng và gia đình cùng dự.

Ngay sau lời mở đầu ngắn gọn của Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Trợ lý đối ngoại của Đại tướng là những câu chuyện kỷ niệm về Đại tướng do những người trong cuộc hào hứng kể. Hết người này đến người khác, dường như không thể kết thúc.
Nhà thơ Trần Việt Phương, tuy không trực tiếp giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng ông là thư ký có thâm niên tới 53 năm (1947-2000) của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nên thường xuyên được gặp, được làm việc với Đại tướng và cũng giúp Đại tướng không ít việc… “Đầy ắp” những kỷ niệm về Đại tướng, ông kể:

  • Tháng 11-1945, Đội trưởng (trung đoàn trưởng) Nam Long, Đội giải phóng quân từ miền Nam cử tôi ra Hà Nội báo cáo với Trung ương về chiến thuật trận địa chiến (dàn hàng ngang) đánh địch của Đội không hiệu quả, dẫn đến mất đất. Bác Hồ cử đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm việc với tôi. Nghe tôi báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tỏ ra bi quan, cũng không phê bình gì đơn vị, mà dành thời gian giảng giải cho tôi hiểu thế nào là chiến tranh nhân dân; tại sao chủ trương của Đảng là dựa vào dân để đánh giặc; chiến tranh du kích là gì… Sau đó, Đại tướng mới nói đến nhiệm vụ của Đội: “Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến mất đất là điều khó tránh khỏi, nhưng đừng để mất dân. Mất đất mà vẫn giữ được dân thì sẽ lấy lại được đất. Chỉ sợ để mất dân thì có giữ được đất rồi cũng mất… Trung ương đã cử một tướng (đồng chí Nguyễn Sơn N.V) thạo chiến tranh du kích vào miền Nam. Các đồng chí yên tâm sẽ có những cách đánh mới phù hợp với cách đánh của ta”. Khi đó tôi mới chưa tròn 18 tuổi, nghe Đại tướng nói mà mở lòng, mở dạ, về báo cáo ngay với Đội trưởng Nam Long. Cả đơn vị tổ chức học tập, làm theo chỉ đạo đó của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Kết quả là đơn vị đã giành lại được đất. Dân bảo vệ bộ đội; bộ đội làm tốt công tác dân vận, dựa hẳn vào dân, sống với dân, bảo vệ dân …
    Hai năm sau tôi ra Trung ương về làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì bài học “Vì dân, dựa vào dân” còn được Đại tướng căn dặn nhiều lần nữa. Bài học đó đã dẫn dắt tôi trên con đường đi làm cách mạng.
    Ở tuổi “xưa nay hiếm” càng nghĩ ông càng thấy lời căn dặn “Vì dân, dựa vào dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đúng trong xây dựng Quân đội cách mạng mà còn tuyệt đối đúng trong mọi công việc của người cán bộ cách mạng, không chỉ trong trận mạc, trong kháng chiến, mà cả trong hòa bình, trong xây dựng đất nước hôm nay. Ngày Đại tướng đi về với thế giới người hiền, nhà thơ Trần Việt Phương xúc động nói với chúng tôi:
  • Cứ nhìn vào dòng người vô tận, nghiêm ngắn xếp hàng nhẫn nại chờ vào viếng Đại tướng, là thấy rõ lòng dân hướng về Đại tướng như thế nào. Đó chính là vì Đại tướng sống một cuộc sống tất cả vì dân, vì nước.
    HUY THIÊM (ghi)