Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 9-2.

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky vừa có chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi chiến sự bùng nổ ở quốc gia này ngót 1 năm trước, tới một số quốc gia châu Âu nhằm kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) sớm kết nạp Ukraine và tăng viện trợ về mọi mặt.

Phát biểu trước trước Nghị viện châu Âu tại Brussels (Bỉ), ông Zelensky khẳng định: Ukraine “Chia sẻ các giá trị với châu Âu, không phải Nga”, đồng thời khẳng định tới Brussels để “Bảo vệ đường về nhà của dân Ukraine”. Có thể thấy, mục đích có thêm viện trợ về kinh tế, quân sự nhiều hơn từ EU thì Ukraine đã đạt được nhưng về chuyện gia nhập EU thì lại là một chặng đường dài. Con đường mà ông Zelensky gọi là “đường về nhà” thực sự quá xa vời.

Thực tế cho thấy, chuyến đi tới Anh, Pháp, Bỉ của ông Zelensky từ ngày 8 đến 10-2 thành công về kêu gọi viện trợ. Kể cả nếu ông Zelensky không sang châu Âu thì EU vẫn là bên nhiệt tình ủng hỗ nỗ lực chống Moscow của Kiev ngay từ ngày đầu chiến sự bùng nổ. Ngoài các cam kết và hành động thể hiện sự đoàn kết về chính trị như các chuyến thăm của lãnh đạo các nước EU tới Kiev hay việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine ở Kiev hồi đầu tháng 2 này, EU đã gửi nhiều loại vũ khí và tiền viện trợ cho Kiev. Trong chuyến đi này, Tổng thống Pháp - Macron và Thủ tướng Đức - Olaf Scholz cam kết rằng châu Âu sẽ ủng hộ Ukraine cho đến khi giành chiến thắng cuối cùng. Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu hôm 9-2: “Ukraine có thể tin tưởng vào Pháp, các đối tác châu Âu và đồng minh của mình để giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Nga không thể và không được phép thắng thế”. Trong khi đó, Thủ tướng Scholz nói rằng Đức và các đối tác của mình đã hỗ trợ Ukraine “về tài chính, viện trợ nhân đạo và vũ khí. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy chừng nào điều đó còn cần thiết”.

Các nhà lãnh đạo EU cũng nhắc lại khoản viện trợ tài chính và quân sự trị giá 72 tỷ USD mà họ đã cung cấp cho Kiev, bao gồm cả các quỹ chi cho việc đón nhận 4 triệu người tị nạn Ukraine. Tuy nhiên, ông Zelensky mong muốn nhiều hơn thế khi đích thân tới Brussels bởi Ukraine muốn có các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây trong khi chuẩn bị nhận các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực từ châu Âu.

Mốc đánh dấu 1 năm kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ là thời điểm tốt để các bên tiếp tục đưa ra những cam kết mới ủng hộ Kiev và chống Moscow. Thế nhưng, ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài hơn về chính trị, vũ khí và tài chính, Kiev còn muốn nhân cơ hội này để sớm gia nhập EU, một điều khó có thể xảy ra dù EU có “yêu” Kiev và “ghét” Moscow đến mấy.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24-2-2022, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU và được liên minh này trao tư cách ứng viên 4 tháng sau đó. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức từng tuyên bố EU không thể đẩy nhanh kết nạp Ukraine, trong khi Tổng thống Pháp nhận định tiến trình có thể mất vài thập kỷ. Về nỗ lực này của Ukraine, Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã khẳng định từ tháng 6-2022 rằng Nga không phản đối Ukraine gia nhập EU do đây không phải liên minh quân sự như NATO. Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga - Dmitry Medvedev nhận định, Ukraine chỉ có thể gia nhập EU vào giữa thế kỷ này và bày tỏ hoài nghi khả năng liên minh tồn tại đến thời điểm đó.

Các nhận định từ lãnh đạo các nước trong EU và Nga về tương lai gia nhập EU của Ukraine là có cơ sở. Croatia, nước gia nhập EU mới nhất vào năm 2013 cũng phải mất tới 10 năm đàm phán và đáp ứng các yêu cầu gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn gia nhập EU từ năm 2005 tới nay vẫn chưa được. Trong khi đó, Ukraine ngoài việc đang có chiến sự thì thực lực kinh tế yếu kém và cũng như chưa đáp ứng được nhiều đòi hỏi của EU sẽ rất khó để sớm gia nhập EU.

Ukraine ắt hẳn biết khó đáp ứng được các điều kiện để sớm gia nhập EU. Thế nhưng, việc ông Zelensky nhắc đi nhắc lại mong muốn “về nhà” của Kiev cũng là một cách khéo để vận động EU ủng hộ mọi nguồn lực cần thiết cho mình ở mức độ cao nhất. Ukraine ở châu Âu như nhiều quốc gia khác ở châu lục này nhưng không có nghĩa là phải vào được EU mới là “về nhà”. Đường về nhà quá xa và chắc ông Zelensky chỉ muốn “người nhà” tiếp tục viện trợ cho Ukraine nhiều hơn nữa mà thôi.

Thanh Huyền