Sau 30-4-1975 - ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam một nhà, đơn vị TNXP N55 - P18 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tuyến đường 15A và lần lượt xuất ngũ.
Trong đoàn quân mang trang phục màu xanh cỏ úa trở về ấy, có 11 cô gái ở xóm Đông, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Các cô trở về mang trong người bao mảnh bom đạn do giặc Mỹ gây ra, song vẫn chưa bằng những vết thương lòng mà các cô phải hứng chịu: Làm sao khi tuổi xuân đã trôi qua, tuổi già đang rập rình ập đến?...
Chị Hồ Thị Ngọc - Tiểu đội trưởng một thời dũng cảm, xông pha trận mạc, nay trở về bên ngọn đèn dầu leo lét với một ao ước cháy lòng là được làm vợ, làm mẹ, nhưng khi thấy mình đã chạm đến tuổi 37, Ngọc lại thảng thốt tự hỏi mình: “Lấy ai làm chồng và ai sẽ lấy mình làm vợ đây?”.
Nghĩ đến tìm người "ngoài luồng" xin đứa con để nương tựa tuổi già thì Ngọc lại trăn trở: Mình làm thế là phá hạnh phúc của người khác. Nghĩ tới rồi lại nghĩ lui, cứ thế nhiều đêm Ngọc thức trắng...
Rồi một hôm, cơn giông mùa hạ bất chợt đổ mưa xuống ruộng vườn Hương Khê. Chạy trốn mưa giông ấy là một người thợ xẻ to cao, mặc chiếc áo quân phục bạc màu, vai mang cả cưa, đục, búa, mà nghe nói đường tình duyên cũng lỡ, dở, ùa vào nhà Ngọc. Anh ta trú mưa và từ lần trú mưa qua đêm ấy… đã để lại cho riêng Ngọc một mầm sống. Mầm sống hình thành thì “búa rìu” của dư luận thiên hạ cũng bổ xuống đầu Ngọc. Người ác miệng thì dè bỉu: “Không chồng mà chửa mới ngoan / Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường”. Anh trai cả cũng mắng té tát em gái. Bị gia đình mắng mỏ, xóm làng chê bai, Ngọc đành chạy trốn ra tận miền tây tỉnh Thanh Hóa. Được người dì ruột cưu mang, Ngọc đã sinh hạ một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh…
Khi con tròn 10 tháng tuổi, Ngọc bế con về làng. Sự dè bỉu của làng xóm và gia đình cũng dần nguôi ngoai. Anh cả bế cháu Côi (tên và họ do Ngọc đặt cho con mình) vào lòng rủ rỉ nói: “Mẹ cháu trốn đi rồi, bác tìm hoài không thấy, những ngày tháng qua bác ân hận nhiều lắm!". Biết tin mẹ con Ngọc về làng, bạn bè đồng đội đến động viên, chia vui. Chị Toàn mang đầy một túi gạo, chị Khang đội một thúng khoai tới rồi tuyên bố: "Bé Côi là đứa con chung của tiểu đội TNXP chúng mình, mọi người cùng góp sức nuôi cho bé trở thành người hữu ích cho xã hội…”.
Khi thấy gia đình Ngọc có thêm nhân khẩu mới, hợp tác xã đã cắt thêm cho gia đình 5 thước đất phần trăm. Tình làng nghĩa xóm đùm bọc cháu. Suốt 12 năm liên tục, cậu học trò Côi học giỏi, ngoan, đã thi đậu Đại học năm 2012. Ngày nhập trường, mẹ Ngọc phải bán cả hai ổ lợn nái, bán cả đàn gà đang đẻ trứng, bán cả mấy tạ thóc mới đủ đóng tiền học cho Côi. Các bạn của mẹ ai cũng mừng, người mấy chục, người một trăm cho cháu, nhìn con hớn hở bước vào cổng trường Đại học mà Ngọc trào nước mắt. Năm học thứ nhất đã qua, Côi viết thư về cho mẹ.
“Thưa mẹ Ngọc của con!
Tuy rất nhớ mẹ, nhưngTết này con không về thăm mẹ được. Con ở lại trường và đã đi làm thêm để đỡ tiền học phí cho mẹ. Con báo để mẹ yên tâm, con đã được vào ở ký túc xá của trường. Bạn bè đã giúp tìm chỗ cho con làm gia sư. Mỗi tuần con đi dạy thêm 5 buổi tối. Con đã kiếm đủ số tiền ăn hàng tháng, từ nay mẹ không phải gửi tiền cho con nữa. Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe để sống mãi với con. Con trai của mẹ!
Đọc thư xong, cả gia đình, bạn bè, làng xóm của Ngọc vỡ òa niềm vui phấn khởi. Nhân niềm vui của cháu Côi, của gia đình Ngọc, chị Lương, chị Hải ở nhóm nữ cựu TNXP Xóm Đông trải lòng: “Mừng cho Ngọc của chúng mình đã có nơi nương tựa tuổi già!…”.
BÍCH HẬU