Khoảng đầu tháng 2-1968, lúc đó cuộc chiến đấu của quân và dân T.P Huế đang diễn ra hết sức ác liệt. Tin chiến thắng của quân và dân ta trong Tổng tiến công xuân Mậu Thân trên khắp các chiến trường và T.P Huế, làm náo nức cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Đơn vị chúng tôi, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 4, Ngô Gia Tự, trực thuộc Binh trạm 42 làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông khu vực A Sầu - A Lưới (tây Trị - Thiên - Huế) cho xe ta chở hàng vào chi viện chiến trường. Bộ đội, dân công, TNXP và đồng bào dân tộc nơi đây nô nức thi đua gùi, thồ vũ khí, lương thực, thực phẩm ra mặt trận.
Vào một buối sớm đầu tháng 3-1968, tôi cùng đồng chí Dương Văn Thư - Trợ lý tham mưu và Quách Huy Đua - chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn được các đồng chí Phan Văn Phước - Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Nhân Khoản - Chính trị viên Tiểu đoàn gọi đến giao nhiệm vụ: Cấp trên thông báo có máy bay của ta bị rơi ở khu vực đơn vị chúng ta đóng quân, các đơn vị đã hết sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện ra; vừa rồi có một người dân địa phương (người dân tộc Pa Kô) đến báo là đã phát hiện nơi máy bay rơi, cánh máy bay có “ông Sao vàng năm cánh”. Người dân còn nhặt được một số hộp cao sao vàng và một khẩu súng ngắn K.54 nộp cho đơn vị. Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho các đồng chí đi theo người dân này, đến xem cụ thể ra sao, nếu xác định đúng máy bay của ta thì phải kiểm tra thật kỹ lưỡng (nhất là phần thi hài) và làm công tác mai táng thật chu đáo, không được làm điều gì vi phạm chính sách thương binh, liệt sĩ ở chiến trường.
Từ đơn vị đóng quân, theo người dẫn đường đi khoảng 5 giờ, qua rất nhiều sống suối, đèo dốc, chúng tôi đã đến nơi máy bay rơi. Đúng là có một chiếc máy bay thân và cánh đều có “ông Sao vàng năm cánh” bị vỡ tung, nằm trên một quả đồi tan hoang như sau một trận bom giặc tàn phá. Chúng tôi phân công nhau đi tìm hài cốt, nhặt từng mảnh xương vụn, những miếng thi thể còn sót lại nằm rải rác quanh xác máy bay và sườn đồi. Tôi nhớ chỉ còn một đồng chí còn nằm nguyên trong bộ quần áo phi công, số còn lại chỉ còn là một phần xương thịt hết sức nhỏ bé. Tổng cộng, chúng tôi góp nhặt được 6 trường hợp.
Chúng tôi lấy những mảnh dù bị cháy dở của máy bay, gói gọn 5 phần cốt (trừ đồng chí phi công còn nguyên quần áo), chọn một khoảng đất bằng phẳng trên đỉnh đồi và đào huyệt mai táng các đồng chí (chúng tôi có mang theo dụng cụ công binh để làm nhiệm vụ). Xong việc, chúng tôi chặt cây rừng rào chắn xung quanh khu mộ, rồi lặng lẽ, nghiêm trang đứng cúi đầu vĩnh biệt các đồng chí...
Sau sự kiện đó, chúng tôi cùng đơn vị tiếp tục đi làm nhiệm vụ ngang dọc Trường Sơn; đến nay kẻ mất, người còn. Đồng chí Dương Văn Thư ra quân về nghỉ quê hương Thanh Hóa, đồng chí Quách Huy Đua (người cùng quê với tôi) đã hy sinh, nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Còn tôi ra quân về nghỉ cùng với gia đình.
Cuộc sống đời thường biết bao chuyện phải lo, nhưng hình ảnh các đồng chí phi công nằm giữa đại ngàn Trường Sơn không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi. Tôi luôn mong muốn một ngày nào đó các anh sẽ được trở về với đất mẹ thân thương, với gia đình yêu dấu và ngày ấy đã đến.
Tình cờ một lần đọc thông tin trên Báo Quân đội nhân dân: “Ai biết nơi máy bay của ta rơi đầu xuân 1968 ở đâu xin báo về Quân chủng Phòng không - Không quân”và tôi đã kịp làm điều đó.
Đầu tháng 5-2006, tôi cùng anh Dương Văn Thư được Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức đi tìm lại khu mai táng những phi công nói trên. A Lưới đã có rất nhiều đổi thay. Vào A Lưới, nhờ có dân bản dẫn đường, cuối cùng chúng tôi đã tìm được khu mộ năm nào.
Sau khi làm mọi thủ tục cần thiết về quy tập hài cốt liệt sĩ, giữa tháng 5-2006, lễ truy điệu 6 liệt sĩ phi công hy sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra rất trọng thể tại Nhà truyền thống Đoàn bay 919 và các anh được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).
Chúng tôi thấy lòng mình thật sự nhẹ nhàng và thanh thản khi đã làm xong nghĩa vụ với những người đồng đội mà chưa từng biết mặt, biết tên, ngoài mối liên hệ duy nhất là chiến đấu trên cùng một mặt trận.
Phạm Tiến Lập - (nguyên chiến sĩ Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự)