Mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI chậm được khắc phục, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trật tự xã hội và quốc phòng - an ninh.

Phía sau những tấm huân chương

Kể từ năm 1987, năm Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua, đến nay sau 35 năm, Việt Nam đã có nhiều thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI. Và với nhiều lợi thế và tiềm năng, Việt Nam vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn.

Theo “Báo cáo đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021” cho biết: Việt Nam đã thu hút FDI từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, thu hút được nhiều dự án từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Intel, Microsoft, Foxconn, Sanyo, Samsung, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic... Nhìn chung, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có dự án FDI, góp phần giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhưng  đúng là  “đồng tiền có hai mặt”, bên cạnh những thành công và những đóng góp tích cực, FDI cũng có mặt tiêu cực, nhiều dự án FDI đã mang lại những tác động xấu, để lại nhiều rủi ra không dễ khắc phục.

 “Báo cáo đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021” cho biết: Số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ các nước châu Âu còn thấp - chỉ 5%. 80% số dự án có công nghệ trung bình, trong đó xuất xứ từ Trung Quốc từ 30-40%. Thậm chí vẫn còn 15% là công nghệ lạc hậu. Thực trạng này dẫn đến những nguy cơ, thách thức về ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên và đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường.

Một hệ lụy nữa là, FDI tập trung chủ yếu tại các vùng có điều kiện thuận lợi và những thành phố lớn, góp phần gây nên sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, lao động,.. Còn các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thu hút được rất ít dự án FDI.  

Và trong khu vực FDI, hiện tượng chuyển giá gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp gây thất thu ngân sách, tạo nên bất bình đẳng trong các doanh nghiệp. Đây đó đã có xuất hiện kiểu đầu tư núp bóng, vốn mỏng, đầu tư chui...

“Nếu tiếp tục thành công theo con đường này, sẽ dẫn đến mất kiểm soát nhiều thứ” - TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Chủ tịch Hội đồng biên soạn Báo cáo Đầu tư nước ngoài 2021 lo lắng nói.

Phin lọc FDI

Bản báo cáo Đầu tư nước ngoài cũng cho biết: nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng vốn chủ sở hữu thấp. Có dự án quy mô hàng tỷ USD, nhưng vốn góp của nhà đầu tư rất nhỏ, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay để tăng chi phí, khấu hao,... khiến cho hiệu quả kinh doanh thấp, giảm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; gia tăng sức ép về tổng vay nợ nước ngoài của ngân sách nhà nước.

Một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” dưới hình thức doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Lê Nguyễn Quang Huy - nguyên Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thẳng thắn chỉ ra: “Luật đã quy định rõ, Nghị định cũng đã có, các địa phương cũng có những quy định riêng, nhưng đầu tư chui vẫn có. Nhiều tỉnh biết có đầu tư chui nhưng bất lực”.

Các chuyên gia về FDI là thành viên Hội đồng biên soạn cuốn Báo cáo về thực trạng đầu tư FDI vào Việt Nam lo lắng nếu các hạn chế về FDI chậm được khắc phục sẽ gây nên nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội, môi trường và cả an ninh - quốc phòng. Và nếu không điều chỉnh nhanh, nền kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào FDI, như vậy cũng đồng nghĩa với tính độc lập tự chủ của nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Và điều lo lắng hơn, hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng sẽ dẫn đến nguy cơ sẽ có những doanh nghiệp, những dự án tốt, những mảnh đất đắc địa rơi vào tay những nhà đầu tư mà chúng ta không mong muốn...

FDI đã và vẫn sẽ là rất quan trọng với Việt Nam. Nhưng tới đây phải làm gì để kỳ vọng của chúng ta đạt được, đón được dòng FDI chất lượng, loại bỏ được những dự án FDI “xấu”. Và việc đầu tiên phải làm, đó là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI. “FDI cũng cần có quy hoạch” là đề xuất của TS. Ngô Công Thành -  nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người đã có nhiều năm công tác ở Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cũng là thành viên Hội đồng Biên soạn cuốn sách, ông Huy mong muốn bên cạnh việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng thu hút FDI, thì Việt Nam cũng cần tạo được một phin lọc FDI.

Phin lọc để loại bỏ những dự án FDI xấu, để chọn lọc những dự án chất lượng cao. Và để kiểm soát chặt chẽ hành vi thâu tóm của nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn FDI đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược; kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng.

Tri Nhân