Để giúp hội viên tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, các cấp Hội phối hợp tổ chức trên 250 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 22.200 lượt hội viên. Đồng thời tín chấp vay Ngân hàng CSXH 297,5 tỷ đồng (tăng 150 tỷ đồng so với năm 2011) cho hàng nghìn hội viên vay sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn TƯ Hội đạt 635 triệu đồng tập trung cho 10 dự án, tạo ra trên 30 việc làm mới. Quỹ hội tặng mỗi hội viên từ 155.000 đồng lên 317.000 đồng, tổng số có trên 33,3 tỷ đồng, giúp cho 12.500 lượt hội viên khó khăn vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp. Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, cải thiện cơ bản đời sống của gia đình hội viên, không còn hộ đói, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,8% (năm 2011) xuống còn 3% (đầu năm 2016). Kết quả đó động viên hội viên gương mẫu xây dựng nông thôn mới, hiến 429.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các khu thể thao, trường học, nhà văn hóa; tham gia nâng cấp 575km đường liên thôn, xã; cứng hóa trên 12.400m kênh mương nội đồng và đóng góp trên 64.300 ngày công, trị giá hàng tỷ đồng. Các cấp Hội tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện các chính sách ưu đãi như có trên 11.000 hội viên được cấp BHYT, gần 78.200 hội viên được hưởng các chế độ theo Quyết định 142 và 62 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền gần 200 tỷ đồng. Phong trào giúp nhau giảm nghèo đã khơi dậy tình đồng chí, đồng đội gắn bó; hội viên giúp công, giúp vật liệu, góp kinh phí xóa 185 nhà dột nát, trị giá trên 2 tỷ đồng và quyết tâm năm 2016 sẽ xóa 100% nhà dột nát cho hội viên.
Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tạo được nhiều mô hình mới, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được biểu dương, khen ngợi như hội viên CCB Lê Văn Thùa-Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng (TP. Bắc Giang) mỗi năm ủng hộ từ thiện, tình nghĩa hàng trăm triệu đồng; CCB Trương Văn Đơn - Giám đốc HTX chăn ga gối đệm thu đông (huyện Hiệp Hòa), quyên góp, ủng hộ các quỹ hàng chục triệu đồng; các CCB Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty Hương Tiến (huyện Yên Dũng), Đỗ Văn Cường-Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại Cường Hồng (huyện Lạng Giang), Nguyễn Xuân Mai-Giám đốc HTX Giao thông vận tải (huyện Yên Thế)… thu hút hàng trăm lao động là con, cháu CCB, gia đình chính sách, có thu nhập ổn định, hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Thành hội Bắc Giang có thương binh Trương Quang Luận (Song Mai) và thương binh Nguyễn Văn Bến (Dĩnh Kế) vượt qua thương tật, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo với mức sống khá và giàu. Nơi đây còn có nữ CCB Hoàng Thị Ngọc - Giám đốc doanh nghiệp dược Ngọc Đông, với 80 cơ sở, đại lý trong tỉnh, tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng 4,5 triệu đồng/người. Với mô hình gia trại, nhiều hội viên thành công tiêu biểu như các CCB Nguyễn Văn Báo (Quý Sơn, Lục Ngạn) có trang trại tổng hợp; Luyện Huy Sao (An Dương, Tân Yên) trồng bưởi Diễn, thả cá, nuôi gà công nghiệp, lợn rừng; Dương Phương Sáu (Đồng Tâm, Yên Thế) nuôi gà đồi, lợn, ba ba, trồng vải thiều; Nguyễn Văn Thìn (Đồng Tiến) trồng 96ha rừng, nuôi hươu, dê… cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm
Qua bình xét CCB làm kinh tế giỏi, Hội CCB tỉnh Bắc Giang có 4.531 hội viên giỏi cấp xã, 1.142 hội viên giỏi cấp huyện, 121 hội viên giói cấp tỉnh và 25 hội viên được TƯ Hội công nhận. Đây là những mũi nhọn của kinh tế CCB, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Xương Giang