Cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ của Huyện đội Vị Thủy (Hậu Giang) giúp dân thu hoạch lúa trên đồng lúa xã Vị Trung.

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đồng loạt vào vụ thu hoạch lúa hè thu, nhưng dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và trong vùng đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, tiêu thụ lúa. Các tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt là “xanh nhà hơn già đồng”.

Thu hoạch lúa giữa dịch bệnh

Vụ lúa hè thu năm nay, ở vùng ĐBSCL được mùa, càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp thêm nguồn lực để người dân an tâm phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, khi mà dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đến nay, lúa hè thu đã thu hoạch được 820.000ha, với hơn 4,6 triệu tấn, cả vụ 1,51 triệu héc-ta, sản lượng 8,6 triệu tấn.

Hiện các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang thành lập đường dây nóng chung giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. Bởi thực tế, trong việc lưu thông, mỗi chốt của mỗi tỉnh có những quy định riêng. Theo đó, các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển hàng hóa, thiết bị, công cụ thu hoạch… được lưu thông từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; các công ty, HTX, thương lái... ngoài tỉnh được đến thu hoạch, thu mua sản phẩm… Linh hoạt, nhưng tất cả phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua.

Ông Nguyễn Văn Vui - Chủ tịch huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), cho biết: Trong quá trình thu hoạch, vận chuyển phải thực hiện nghiêm “5K”, các thương lái phải test trước khi vào thu mua. Đối với các hộ gia đình cách ly tập trung hoặc tại gia đình, người già neo đơn; các địa phương hỗ trợ người dân thu hoạch và đưa lúa về nhà để các công dân yên tâm thực hiện việc cách ly đảm bảo đúng quy định. Đối với việc phơi lúa, các hộ gia đình chỉ ra một người để kiểm tra, không phơi gần nhau, phải giữ khoảng cách giữa các hộ với nhau.

“Do vậy,  huyện đã yêu cầu các HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa huy động tối đa các phương tiện, máy móc và nhân lực để chủ động thu hoạch lúa. Điều tiết máy móc thu hoạch lúa hợp lý, với phương châm nơi nào lúa chín, lúa bị đổ ngã thì tập trung thu hoạch ngay, không chờ đợt để thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu nhằm hạn chế thiệt hại” - ông Vui nói.

Trên thực tế, con đường lưu thông lúa gạo ĐBSCL có sự kết nối chặt chẽ, không tách rời. Trước những đề xuất của các địa phương, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNTTrần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ Công tác 970 của Bộ NNPTNT cho biết: Cần có tư duy liên kết vùng, tiểu vùng với nhau, tỉnh này liên kết với tỉnh kia và nhìn phạm vi trên toàn vùng. Về vấn đề “luồng xanh” đường thủy, Sở NNPTNT các tỉnh có thể phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí thực hiện, trên cơ sở như đã triển khai “luồng xanh” đường bộ, để hỗ trợ cho việc đi lại thu mua nông sản.

“Ðối với Tổ công tác 970, sớm hình thành cổng thông tin về kết nối cung - cầu nông sản để tiếp tục thực hiện việc kết nối mà không cần đến trực tiếp vùng sản xuất. Ở đó không chỉ có thông tin hàng hóa, người mua, người bán mà về lâu dài sẽ cập nhật cả thông tin thị trường, mã số vùng trồng… Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ lúa hè thu” - ông Tùng nói.

Linh hoạt trong cách làm

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì việc phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, cùng với đó, các tỉnh dần thiết lập được “vùng xanh”. Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, khó khăn, các địa phương đề xuất, tăng cường kết nối liên vùng trong tiêu thụ sản lượng lúa gạo đang bị tồn đọng tại các địa phương.

Vụ lúa hè thu năm nay, tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 141.000ha, tập trung thu hoạch vào tháng 8 và 9, với sản lượng ước đạt trên 800.000 tấn lúa, dịch bệnh cũng gây khó khăn trong thu hoạch và tiêu thụ. Nhưng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm vượt qua khó khăn, chính quyền và Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng cơ bản thực hiện tốt các giải pháp trong thu hoạch và tiêu thụ, giúp tỉnh thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”.

Việc áp dụng các biện pháp, phòng, chống dịch Covid-19, phần nào cũng gây trở ngại cho khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa của bà con. Ông Nguyễn Văn Hận - Phó phòng NNPTNT huyện Châu Thành (Sóc Trăng) nói: “Vụ lúa hè thu năm nay, huyện Châu Thành xuống hơn 16.000ha, hiện nay các trà lúa đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Huyện phân công từng thành viên phụ trách địa bàn, phối hợp với các xã và các ban ngành đoàn thể, theo dõi, giám sát quá trình thu hoạch, cũng như mua lúa, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh: Thực hiện phương châm 3 tại chỗ, áp dụng các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh, thông điệp “5K”, khai báo y tế, xác nhận lịch trình nơi đi, nơi đến, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa để làm sao thu hoạch lúa được nhanh và thuận lợi”.

Trên cánh đồng rộng lớn của xã Vị Trung (Vị Thủy - Hậu Giang), hòa giữa màu lúa chín vàng rực là màu áo xanh của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ của Huyện đội Vị Thủy sẵn sàng phối hợp, vận chuyển lúa về nhà cho người dân. Để chia sẻ vất vả với những người lính vì nhân dân phục vụ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã cùng những chủ lúa, thường xuyên mang nước uống, bánh ngọt, nấu bánh tét cho bộ đội như một sự tri ân. CCB Nguyễn Văn Trường ở ấp 6, xã Vị Trung phấn khởi nói: Do giãn cách xã hội, bà con gặp khó khăn trong thuê máy gặt đập liên hợp, nhân công bốc vác, vận chuyển lúa. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 15 công ruộng. Thấy lúa chín vàng đồng, trời lại mưa thường xuyên mà không kêu máy cắt được, tôi lo đến mất ngủ. Giờ được bộ đội vào hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển ra bờ kênh, tôi biết ơn lắm”.

Bài và ảnh: Phương Nghi