Xuống bãi Cạn Cà Mau, sóng gió đã giảm nhiều nên đoàn chúng tôi được lên thăm Nhà giàn DK1/10. Tàu thả neo cách nhà giàn chừng hơn 1km rồi cả người, cả hàng được chuyển xuống ca nô chở sang nhà giàn. Ngoài các hàng hóa thông thường, hàng chuyển ra nhà giàn còn có cả hàng chục bao tải phân bò khô và thùng hạt rau giống các loại do người dân trong bờ quyên góp gửi tặng bộ đội nhà giàn trồng rau; rồi lại có cả chú chó đầy thân thiện, có lồng chim sáo, có bồn chứa nước inox Hoàn Mỹ, có chậu mai vàng, có gạo nếp, lá dong… Sóng dềnh lên rồi hạ xuống, ca nô lảo đảo chạy khiến cánh nhà báo chúng tôi cứ chụm dúm vào nhau. Sang đến chân nhà giàn thì có hai cách để lên, một là bám trèo thang sắt, hai là được “trực thăng vận” hay là “đi đường hàng không” như cách nói của anh em chiến sĩ. Mới nghe “trực thăng vận” cứ ngỡ ngoài nhà giàn có hệ thống nâng hiện đại lắm, hoặc như có máy bay trực thăng nâng lên nên ai cũng háo hức chờ. Đến nơi, chứng kiến chuyện “trực thăng vận” tất cả mới cười ra nước mắt khi “mục sở thị” chuyện lính ta thương khách ra nhà giàn, nhất là các đồng chí nữ và các đồng chí có thân hình quá khổ sợ sóng không dám leo lên cầu thang sắt dựng đứng với hà bám, với rỉ sét giữa sóng nâng sóng hạ nên dùng dây thừng, một đầu buộc thanh gỗ ngắn cho khách ngồi, có dây đai lưng buộc bảo hiểm; đầu kia luồn qua cái ròng rọc treo trên tầng hai nhà giàn rồi dùng sức người của 4-5 chiến sĩ kéo khách từ dưới ca nô lên. Chẳng ai bảo ai, vậy mà ống kính của các phóng viên cứ như chụm vảo cảnh này khiến hàng chục người đi “trực thăng vận” khi xem lại đỏ hết cả mặt. Có người hừng hực khí thế nhưng khi vừa được kéo lên 1-2m đã nhắm mắt lại vì sợ, một hai đòi xuống xuồng để quay lại tàu…Vậy mà cuối cùng tất cả đều đã lên nhà giàn. Lên được rồi thì lại cười tít. Ta dũng cảm quá, ta trở thành chiến sĩ Hải quân thật rồi.
Đón Tết trên nhà giàn
Lên nhà giàn, sau khi chúc tết, tặng quà bộ đội nhà giàn, cánh nhà báo tỏa đi khắp mọi nơi để thỏa tò mò. Ra hành lang, thấy giàn rau mồng tơi xanh ngút như trong đất liền; lên tầng thượng thấy những khay rau muống, rau dền xanh mởn… Hỏi chuyện, các anh cho biết, mỗi ngày mỗi người được 3 lít nước ngọt, dùng xong lại lọc dùng, nước cuối cùng tưới rau.Thức ăn trên nhà giàn chủ yếu là cá; tranh thủ thời gian rỗi các anh buông câu, mỗi tháng cũng tạ hơn tạ kém đem nấu nướng, làm cá khô, làm nước mắm; bà con đi đánh cá thi thoảng đi qua biếu các anh dăm bảy ký cá ngon; điện từ những tấm pin năng lượng mặt trời, máy phát luôn đảm bảo cho bộ đội sinh hoạt, xem ti vi…
Vui nhất đối với chúng tôi trong chuyến đi này là được cùng các chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 mổ lợn, gói và nấu bánh chưng đón Tết sớm. Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân cho biết, các chiến sĩ ở tất cả mọi nhà giàn đều được tổ chức đón Tết chu đáo như ở DK1/10. Quà Tết từ đất liền gửi ra có đủ thứ, nào mứt tết, rượu, chè khô, nhiều loại hoa quả… và đặc biệt là có một chú lợn chừng 45-50 kg, lá dong xanh, gạo nếp. Ở phía khu bếp, các chiến sĩ đang nhanh tay mổ lợn, còn ở khu hành lang phía sau hội trường, thiếu tá Đinh Đắc Bình, Chỉ huy trưởng nhà giàn cùng các anh Trần Quang Tăng, Nguyễn Duy Khánh, Lê Văn Cương, Trịnh Văn Sơn... các nữ nhà báo Việt Hòa, Phương Châm, MC Hồng Phượng đang cùng chung tay chuẩn bị lá dong, gạo nếp gói bánh chưng. Không khí chuẩn bị tết vui như ở nhà. Tối hôm ấy, đoàn công tác cùng các chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 vui liên hoan văn nghệ đến tận khuya… Không biết có phải chuyện như ngô rang không mà sau một đêm nấu bánh chưng, khi vớt bánh đem thắp hương và bóc thưởng thức bữa sáng, có mấy chiếc bị nhão. Bánh nào cũng ngon. Có cả thịt luộc, thịt quay… Cả chuyến công tác, bữa cơm đón năm mới trên nhà giàn hôm ấy là ngon nhất, nồng ấm tình cảm giữa đoàn công tác với các chiến sĩ nhà giàn, mọi gian khổ khó khăn như tan biến, tất cả hòa trong niềm vui đón mừng năm mới…
“Mỗi năm chúng tôi có một tháng Tết!”
Chuyện trò với các chiến sĩ nhà giàn, tôi mới hiểu sự hi sinh thầm lặng, sự lạc quan yêu đời của các anh lớn biết chừng nào. Công tác trên nhà giàn thường hằng năm mới về, bao vất vả khó khăn các anh không nói mà chỉ chuyện về gia đình. Trong số các anh, có rất nhiều người đã gắn bó với biển cả, với nhà giàn 7-8 năm liền, có những anh đã ăn tết tại nhà giàn 12-20 năm liền, nhường tiêu chuẩn hiếm hoi về tết cho cánh lính trẻ chưa lấy vợ. Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, người có 15 năm ăn tết tại nhà giàn kể chuyện, đợt về phép năm trước, biết là con trai đã được hơn tuổi, khi về khu tập thể, các bà vợ lính đã tập trung hàng chục đứa trẻ cùng tuổi rồi mặc váy cho con trai anh, bắt anh nhận đúng con rồi mới cho bế về. May nhờ linh tính mà nhận đúng, nếu không thì… Thiếu tá Trịnh Văn Sơn, quê Thanh Hóa, người có thâm niên 13 năm ở nhà giàn, 8 năm ăn tết trên biển tâm sự, mỗi năm các anh được nghỉ phép một tháng, dù vào tết hay giữa mùa hè thì với cả nhà, lúc ấy đều là tết. “Mỗi năm chúng tôi có một tháng Tết đấy anh ạ! Con gái tôi bảo, bố về lúc nào là Tết lúc ấy. Vợ chồng, con cái, ông bà nội ngoại, bạn bè quây quần hoan hỉ vui hơn cả Tết. Nghĩ đến vợ con, nghĩ đến Tết là thêm ấm lòng!”. Binh nhất Nguyễn Văn Lượm quê ở Bình Định đang tưới rau trên sân thượng nhắn gửi “Nhớ nhà lắm chứ chú ơi, không biết giờ này ba má đã gói bánh chưa? Tết sang năm con sẽ về với ba má, giờ đây con phải làm tốt nghĩa vụ của mình, của tuổi trẻ với đất nước đã. Nhà giàn, biển cả là nhà của mình ba má ạ! Tết ở đây có đủ mọi thứ và vui lắm!”. Tôi hiểu, cuộc sống của các anh trên nhà giàn còn nhiều vất vả khó khăn, thiếu thốn lắm, nhưng tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình của người chiến sĩ Hải quân nhà giàn còn lớn hơn nhiều.
Một lần đến với các anh, trăm lần thương nhớ và gửi đến các anh những tình cảm thân thương nhất của các CCB và người dân đất liền. Hẹn gặp lại nhé, những chiến sĩ Hải quân nhà giàn DK1 thân thương!
LDC