Các CCB từng tham gia giải phóng Định Quán ôn lại kỷ niệm chiến trường tại
Trong ký ức của nhiều CCB từng tham gia giải phóng huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai năm 1975, đây là địa phương nhiều khó khăn và ít ai hình dung ra được cuộc sống người dân và bộ mặt kinh tế - xã hội (KTXH) của huyện ngày hôm nay.
Đến thăm huyện Định Quán những ngày này, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay, khởi sắc của bộ mặt KTXH và cuộc sống mới của người dân nơi đây. Anh Trần Quang Tú - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Định Quán có 1 thị trấn và 13 xã, diện tích 96.000km2, dân số hơn 200.000 người thuộc các dân tộc: Kinh, Châu Ro, Châu Mạ, Stiêng, Chăm… Lịch sử đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc huyện Định Quán gắn liền với chiến khu Đ tiếp giáp địa bàn. Địa danh La Ngà đi vào lịch sử với trận phục kích diệt đoàn xe quân sự Pháp ngày 1- 3-1948. Và hàng loạt chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để huyện Định Quán hôm nay được tôn vinh với 17 Mẹ VNAH, 3 đơn vị Anh hùng LLVTND là xã Túc Trưng (1995), huyện Định Quán (1996), xã Phú Túc (1998)… Năm 1998, Tượng đài Chiến thắng La Ngà được xây dựng tại Khu di tích Chiến thắng La Ngà để các thế hệ người dân Định Quán noi gương.
Phát huy truyền thống Anh hùng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Định Quán đã chú trọng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng đường giao thông nông thôn, đường vào các vùng sản xuất, vùng chuyên canh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nông sản. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện đã được đầu tư xây mới và nâng cấp 717 tuyến với tổng chiều dài 681km, kinh phí thực hiện trên 1.152 tỷ đồng. Hiện 13/13 xã đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Đường giao thông rộng mở đến đâu, nhà cửa cao, rộng cùng hệ thống trường học, trạm y tế, đường điện mọc theo đến đó. Là một hộ dân đã sinh sống từ những thập niên 60 tại khu vực gần Chi khu Định Quán, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Ngày mới giải phóng, nhà cửa còn thô sơ, chỉ có những con đường mòn cho xe vào rừng lấy cây. Hiện nay, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường nông thôn mới chạy thẳng vào tận ấp, tận rẫy, tạo thuận lợi cho người dân làm kinh tế, làm giàu”.
Qua hơn 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được gần 21.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước trên 3.148 tỷ đồng, chiếm 15%; còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn nhân dân đóng góp. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2011; giá trị sản xuất bình quân 1 ha năm 2018 đạt 145 triệu đồng. Đặc biệt, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,5% với 8.115 hộ (năm 2011), thì đến nay toàn huyện chỉ còn 146 hộ nghèo. Đến cuối năm 2018, huyện được công nhận huyện nông thôn mới và cuối năm 2019, huyện có 2/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên ấp rộng thênh thang, bà Thi Thị Ánh Hồng - Phó chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được mở rộng lên 7m và trải nhựa và bê tông hóa 100%. Bà Trần Thị Lan (ấp Suối Son 2) chỉ cho chúng tôi xem vườn xoài trĩu quả và hệ thống tưới nước tự động. “Từ khi có con đường bê tông đi qua, người dân bán được xoài với giá cao hơn. Trước đây đường đất hẹp, sình lầy khiến thương lái không cho xe tải vào được, nên họ ép giá dữ lắm”. Để có con đường đến tận rẫy, gia đình bà đã hiến hơn 3.000m2 đất làm đường. “Không chỉ nhà tôi đâu, bà con trong ấp đều làm vậy!” - Trần Thị bà Lan nói.
Đóng góp công sức to lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Định Quán là các CCB với hàng tỷ đồng, hàng chục nghìn mét vuông đất và hàng nghìn ngày công lao động xây dựng quê hương… Trao đổi với các CCB từng tham gia giải phóng huyện nhà đang ôn lại kỷ niệm chiến trường tại Tượng đài chiến thắng La Ngà, chúng tôi được bác Nguyễn Văn Bé (thị trấn Tân Phú) kể lại: Ngày 10-3 khi tin quân dân ta thắng lớn ở Tây Nguyên, địch ở Chi khu Định Quán hoảng loạn tột độ. “Lúc đó, tôi là Đội trưởng Trinh sát đặc công tỉnh Tân Phú được giao nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch tại khu vực đồn 125 và dẫn đường cho bộ đội tiến về giải phóng Chi khu Định Quán…”. Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (ấp 2, xã Phú Ngọc) khi đó làm y tá cứu thương cho bộ đội. CCB Nguyễn Thảo Nguyên, xã La Ngà là một người làm kinh tế giỏi. Năm 1972, khi đang học năm 2 Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã chích máu viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Trong trận đánh Chi khu Định Quán chiều 17-3-1975, tổ trinh sát 3 người của ông đã hy sinh 2 đồng chí. Ông cho biết: “Được chứng kiến giờ phút giải phóng, tôi luôn nhớ về đồng đội và cùng các đoàn tìm kiếm, lấy được hài cốt của 2 đồng đội đưa về quê theo nguyện vọng gia đình”. Còn CCB Nguyễn Tiến Minh, sinh năm 1941 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Sau giải phóng, ông thi đại học rồi lại về Định Quán dạy học. Khi nghỉ hưu, ông tham gia Hội Khuyến học huyện. Năm 2014, ông vận động xây nhà và tài trợ học bổng cho 4 chị em Nguyễn Thị Thùy Dương và xây một căn nhà cho anh Lê Văn Tèo, ở xã Thanh Sơn... Đến nay, tuy tuổi đã cao, nhưng các CCB ngày ấy vẫn luôn nặng lòng với vùng đất quê hương Anh hùng.
Cuộc sống người dân ở huyện miền núi Định Quán đang thay đổi từng ngày. So với ngày xưa, ấm no hơn, vui hơn nhiều.
Hồng Sơn
Tượng đài chiến thắng La Ngà - Định Quán.