
Đề án 30 được thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2007 tới giữa năm 2009, thực hiện thống kê thủ tục hành chính tại tất cả các cấp chính quyền; giai đoạn 2, từ giữa năm 2009 tới giữa năm 2010 thực hiện rà soát thủ tục hành chính theo các tiêu chí về tính hợp pháp, sự cần thiết, tính hợp lý của thủ tục hành chính và các văn bản, quy định có liên quan; giai đoạn 3, trong năm 2010, tổ chức thực hiện các kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính và công bố công khai cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên Internet phục vụ nhân dân.
Tới thời điểm này, có thể khẳng định Đề án 30 đã thành công trong giai đoạn 1 thông qua việc các bộ, ngành, địa phương công bố bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền quản lý để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện tại tổng số TTHC đã được thống kê tại 4 cấp chính quyền là trên 5.500 thủ tục, 82.786 biểu mẫu, 7.641 văn bản quy định TTHC. 100% bộ, ngành đã ban hành quyết định công bố bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tổ trưởng Tổ công tác đề án 30 của Thủ tướng, đến nay, tổ đã thống kê được 5.700 TTHC với tổng số văn bản quy định TTHC lên tới 7.870 và tổng số biểu mẫu là 85.000. Số TTHC trên là rất nhiều, trong đó có những thủ tục rườm rà, có thể bãi bỏ được.
Giai đoạn tiếp theo của Đề án 30 là tập trung vào việc rà soát TTHC đã được thống kê. Đây là giai đoạn có nhiều công việc khó khăn và nặng nề hơn so với giai đoạn 1 nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhân dân trong sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác của đời sống. Điểm nổi bật của giai đoạn này là Tổ công tác chuyên trách chỉ đóng vai trò rà soát độc lập, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các cơ quan hành chính và khối DN trên cơ sở tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của các TTHC.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định về TTHC thuộc phạm vi quản lý. Việc đơn giản hoá TTHC bao gồm việc loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp pháp, không hợp lý; hoàn thiện nâng cao chất lượng các quy định về TTHC; pháp lý hoá những TTHC cần thiết, hợp lý nhưng chưa hợp pháp; phân cấp thực hiện và thay thế; đồng thời, nhằm phục vụ mục tiêu chống suy giảm kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, mục đích của việc rà soát TTHC theo Đề án 30 nhằm đáp ứng các mục tiêu: Nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính; hoàn chỉnh các quy định về TTHC, mẫu đơn tờ khai hành chính, yêu cầu và điều kiện TTHC; góp phần thay đổi về chất hệ thống TTHC đang áp dụng tại các cấp chính quyền hiện nay; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm chi phí cho xã hội. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án 30 còn góp phần quan trọng vào việc thực thi các nguyên tắc và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO như công khai, minh bạch các quy định về TTHC; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham vấn trong quá trình ban hành và phản hồi các quy định về TTHC.
Hiện tại, cùng với việc thực hiện đơn giản hóa TTHC, Tổ công tác đề án 30 đang soạn thảo nghị định kiểm soát TTHC dự kiến trình Chính phủ thông qua trong tháng 10-2009. Hướng của nghị định này là sẽ siết chặt việc ban hành các quy định đặt ra TTHC. Các TTHC sắp tới được ban hành cũng sẽ phải đảm bảo tính cần thiết, hợp lý và hợp pháp để tránh gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
Cao Thúy