Theo Sở Công Thương TP HCM, do khó khăn chung của nền kinh tế, sức mua thị trường năm nay rất chậm. Đa phần doanh nghiệp lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm Tết. Những đơn vị tham gia bình ổn giá (được vay vốn sản xuất kinh doanh hàng Tết với lãi suất 0%, bán với giá thấp hơn thị trường 5% - 10%) đã lên kế hoạch sản xuất dự trữ hàng hóa vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao và tăng trên 60% so với lượng hàng hóa bán ra Tết năm nay. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp khác lại dè dặt khi lên kế hoạch sản xuất hàng Tết.

Đến gần giữa tháng 10, lượng hàng tồn kho của nhiều công ty vẫn còn cao, đặc biệt là nước giải khát, thực phẩm đông lạnh, đóng hộp và gia vị. Các doanh nghiệp đang phối hợp với siêu thị, trung tâm phân phối tổ chức chương trình giảm giá, tặng quà đính kèm để giải phóng hàng tồn và quay vòng vốn. Sức mua quá yếu khiến các doanh nghiệp khó định liệu, tính toán và cũng không kỳ vọng nhiều vào mùa kinh doanh Tết.

Hầu hết doanh nghiệp ngành hàng chủ lực dịp Tết như thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, nước giải khát… cho rằng tình hình năm nay chỉ lo dư chứ không lo thiếu hàng. Dự đoán người tiêu dùng sẽ ăn Tết tiết kiệm, họ chỉ tăng nhẹ, thậm chí không tăng sản lượng phục vụ Tết.

Ngay cả hãng bánh kẹo, mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết cũng giảm sản lượng chuẩn bị cho Tết 5% - 10% so với cùng kỳ. Dự đoán người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, công ty không sản xuất nhiều mà sẽ châm hàng theo từng đợt, tùy tình hình mà điều chỉnh kế hoạch để hạn chế tồn kho.

Quỳnh Anh (TH)