HD 40307g, tên của hành tinh mới được phát hiện, cùng 5 hành tinh khác xoay quanh một ngôi sao cách trái đất 42 năm ánh sáng, nghĩa là con người có thể quan sát nó bằng kính thiên văn trong tương lai. Ngôi sao, có tên HD 40307, nhỏ hơn và có độ sáng thấp hơn so với mặt trời, *Space *đưa tin.

Khoảng cách giữa hành tinh và HD 40307, tên của ngôi sao, là 90 triệu km. Đây là hành tinh xa nhất so với ngôi sao, song với khoảng cách 90 triệu km, nước có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh ở dạng lỏng.

Nhiều hành tinh luôn hướng một mặt của chúng về phía ngôi sao trong quá trình di chuyển nên một nửa hành tinh có nhiệt độ rất cao, trong khi nửa kia rất lạnh. Nhưng các nhà thiên văn nhận định rằng HD 40307g di chuyển giống như trái đất.

“Siêu trái đất” là những hành tinh đá xoay quanh ngôi sao riêng trong “vùng Goldilocks” – nơi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, mà chỉ ở mức vừa phải để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Sự tồn tại của nước ở dạng lỏng là điều kiện để sự sống phát sinh và phát triển. Vì thế người ta có thể gọi hành tinh mới là một "siêu trái đất".

Theo tính toán của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, khoảng 100 “siêu trái đất” đang xoay quanh những ngôi sao lùn đỏ cách địa cầu dưới 30 năm ánh sáng.

Đối với vũ trụ, khoảng cách đó chỉ tương đương khoảng cách mà một con bọ chét đạt được trong một cú nhảy trên địa cầu. Nhưng với công nghệ hiện nay, nhân loại chưa thể nghĩ tới việc thám hiểm những “siêu trái đất”.

Quỳnh Anh (TH)