Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Thường trựcNguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc phụ trách Nhóm nghiên cứu đói nghèo của Chính phủ Trung Quốc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)cùng đông đảo đại diện của các tổ chức kinh tế quốc tế, một số Bộ, Ngành trong nước. Trong ba ngày làm việc, các đại biểu đi sâu phân tích những tác động kinh tế, xã hội của cuộc khủng hoảng đối với các nước trong khu vực, đặc biệt đối với xuất khẩu, lao động việc làm...; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai. Thay mặt Chính phủ Việt Nam tới dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ rõ: Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những hậu quả xấu tới đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, tình trạng tái nghèo lan rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, sự ổn định của từng nước cũng như của khu vực, cản trở việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Ðể có thể đương đầu với những thách thức lớn mang tính khu vực và toàn cầu này, cần sự đoàn kết, hợp tác, chung sức chung lòng giữa các Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng mong rằng, qua Diễn đàn này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, đưa ra những sáng kiến, đề xuất biện pháp cụ thể để đối phó tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo. Trước những thách thức và cơ hội đan xen, các nước cần có những cam kết mạnh mẽ với trách nhiệm cao hơn, đầu tư thích đáng hơn, có những bước đi phù hợp để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra về phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo; đồng thời tăng cường, mở rộng hợp tác nhằm huy động thêm nhiều nguồn lực để phát triển và thu hẹp khoảng cách, giữ ổn định xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững trong từng nước và trong cả khu vực.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda cho rằng, khi kinh tế châu Á bắt đầu hồi phục, Chính phủ các nước trong khu vực cần mở rộng mạng lưới bảo trợ xã hội để có thể vừa bảo vệ người nghèo, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Khủng hoảng có thể được nhìn nhận như một cơ hội nhằm đưa ra các giải pháp phát triển bền vững trong tương lai. Việc tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường thương mại khu vực, tối đa hóa lợi ích từ việc huy động các nguồn lực, đầu tư cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, phân bổ ngân sách hợp lý cho phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo... là những giải pháp giúp các nước đương đầu tốt hơn nữa với khủng hoảng và phát triển bền vững trong tương lai.

Phó Tổng Thư ký ASEAN, Mi-xran Bin Ca-ma-in ghi nhận những nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc giảm thiểu các tác động xấu của cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi các nước cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để vượt qua các thách thức, phát triển bền vững, hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ.

Diễn đàn cấp cao về tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu tới xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững khu vực châu Á-Thái Bình Dương** **sẽ là cơ hội để các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, đưa ra những sáng kiến, đề xuất các biện pháp cụ thể đối phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến phát triển nông thôn và xoá đói giảm nghèo.

Hoàng Linh (TH)