Vỉa hè tuyến phố Phạm Văn Bạch (Yên Hòa, Cầu Giấy) đang được thi công thay thế gạch lát.

Đào xới vỉa hè những tháng cuối năm tại Hà Nội dường như đã trở thành “điệp khúc”. Đá lát được giới thiệu có tuổi thọ 70 năm, nhưng sau 2-3 năm đã hư hỏng. Chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đá, quá trình thi công thật sự đang có vấn đề và cần một cuộc thanh tra để rõ trách nhiệm trong sử dụng ngân sách.

Mùa lát đá vỉa hè

Những ngày này, theo ghi nhận của phóng viên, vỉa hè nhiều con đường, tuyến phố trên địa bàn T.P Hà Nội đang được đào lên, thay mới. Tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình) nhiều đoạn vỉa hè đang bị đào xới, tập kết ngổn ngang vật liệu xây dựng, đất, đá, bụi bặm, công nhân thi công khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đi xuống lòng đường.

Việc thi công đào bới, bụi bặm còn khiến các cửa hàng kinh doanh ở con phố này bị ảnh hưởng. “Lúc đầu cứ nghĩ họ làm vài hôm, nhưng đào bới, lát đá đến mấy tuần rồi vỉa hè trước nhà vẫn nham nhở, bụi bặm. Cuối năm buôn bán mà vỉa hè bẩn thỉu nên khách hàng cũng không muốn vào, doanh thu sụt hẳn", anh Dũng, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Giảng Võ nói.

Tại phố Phạm Văn Bạch (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), khu vực đối diện Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng đang được công nhân tiến hành bóc gỡ các khối bê-tông bó vỉa hè. Những lớp vỉa hè bằng gạch cũ có độ bền 50-70 năm nhưng sau hơn 2 năm sử dụng lại được bóc ra thay thế bằng loại gạch mới.

Điều khiến nhiều người bức xúc là thời gian cuối năm mật độ giao thông cao hơn bình thường, phương tiện đông đúc thì vỉa hè lại trở thành công trường ngổn ngang, bụi bặm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của người dân, nhất là những hộ dân mặt tiền có nhu cầu kinh doanh mùa vụ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc đào xới vỉa hè những tháng cuối năm đã diễn ra từ lâu, dư luận bức xúc và báo chí cũng đã lên tiếng song điệp khúc này chưa có dấu hiệu thay đổi.

Hàng loạt hệ lụy, cần đánh giá tổng thể để tránh lãng phí

Còn nhớ cuối năm 2022, thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong tháng 11-2022, lực lượng này đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp vi phạm quy định về đào hè, đào đường, hoàn trả mặt đường không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, với tổng số tiền hơn 118 triệu đồng. Trong số các trường hợp vi phạm có cả các cá nhân tự ý cải tạo vỉa hè trái phép; một số đơn vị để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông…

Nhiều chuyên gia khẳng định: Về điều kiện giao thông, cuối năm tuyệt đối không phải là thời điểm phù hợp để đào xới. Bởi đây là giai đoạn giao thông căng thẳng nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh buôn bán nhộn nhịp, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Về điều kiện thời tiết, cuối năm cũng không hề là thời điểm phù hợp để đào đường ở Hà Nội do thời tiết hanh khô. Bụi từ mặt đường, bụi từ các dự án nay lại thêm hàng loạt vỉa hè, tuyến phố bị cày xới khiến không khí sẽ càng ngột ngạt, ô nhiễm.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến, chính quyền phải tìm cách nào đó để sắp xếp nguồn vốn cho hợp lý. Nên ưu tiên các công trình đào đường quan trọng để không làm ảnh hưởng đến người dân trong dịp cuối năm. Các kế hoạch sửa chữa cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn để từ đó có thời gian thẩm định, đánh giá vào những thời gian phù hợp. Có thể ưu tiên sửa chữa những tuyến phố ít cửa hàng và người dân vào dịp cuối năm, còn dịp trong năm thì sửa chữa các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh để nó hạn chế ảnh hưởng tới người dân.

PGS.TS. Dương Vân Phong - Giảng viên cao cấp Trường đại học Mỏ - Địa chất đánh giá, vỉa hè trên địa bàn T.P Hà Nội vừa được lát mới bằng đá tự nhiên nhưng sau một thời gian sử dụng lại xuống cấp trầm trọng. Ở đây có cả hiện tượng vỡ, gập ghềnh, nhiều tuyến còn bị biến dạng... Hiện tượng này là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Trong đó có khâu thiết kế, khâu chọn vật liệu, thi công, giám sát và sau đó nữa là sử dụng vỉa hè không đúng công năng.

Đầu tiên phải nói là thiết kế, thứ hai là đến khâu thi công, thứ ba là khâu giám sát thi công. Ba khâu này rất quan trọng và chỉ cần một trong ba khâu làm không tốt thì sẽ dẫn đến những kết quả trở thành hậu quả. Chính vì thế, việc làm vỉa hè nhìn thì dễ nhưng không phải thế. Cần phải nghiên cứu đặc thù địa chất ở từng khu vực vỉa hè một, để rồi biết được cấu trúc địa chất, thành phần địa chất, vật lý cũng như phần hoá học như thế nào. Trên cơ sở đó mới thiết kế lớp nền, phần đầm, nén phù hợp.

“Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta cần có những đánh giá lại. Trong đó, phải mời chuyên gia, các cơ quan thanh tra, kiểm tra có chuyên môn kiểm định từng đoạn đường một. Phải làm cả những đoạn vỉa hè chưa hỏng cũng như những chỗ đã hỏng để xác nhận cho Nhà nước có hay không thiệt hại. Trên cơ sở đó chúng ta tổ chức lại việc lát đá, chỉnh trang đô thị. Còn nếu cứ tiếp tục làm như hiện nay thì kết quả, hậu quả như cũ sẽ lặp lại.

Về việc đấu thầu, các địa phương phải làm công khai, bình đẳng và đưa ra tiêu chí cụ thể để chọn nhà thầu. Nhà thầu phải có đủ năng lực chuyên môn, có bề dày về kinh nghiệm và có chuyên gia tốt để tư vấn thi công. Tuy nhiên, vừa qua có thể thấy nhiều nhà thầu trúng thầu nhưng không đủ năng lực hoặc năng lực kém, đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng lát đá vỉa hè” - PGS.TS. Dương Vân Phong thông tin thêm.

Võ Hóa