Giữa thời bình hôm nay, với bao bộn bề của công cuộc dựng xây và phát triển đất nước, ngỡ rằng vai trò của người lính có thầm lặng hơn. Nhưng nếu ra vùng biên ải, đến với Đồn Biên phòng 649, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, hẳn bạn sẽ có suy nghĩ khác khi người lính hôm nay không chỉ là “phên giậu quốc gia”, mà họ còn là nhân tố tích cực-giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế.

**Vất vả nhọc nhằn **
10 năm trở về trước, đời sống của đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa biên giới gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất canh tác lạc hậu dẫn đến tỷ lệ đói nghèo cao. Dịch bệnh luôn hoành hành, nhất là các bệnh sốt rét, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa…
Đồn trưởng-Trung tá Trần Đắc Đồng bộc bạch: “Khổ ngần ấy thứ rồi mà bà con đâu đã được buông tha; kẻ địch và các phần tử xấu luôn rình mò, tìm cơ hội kích động, gây rối, phá hoại, lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng… Rồi nạn khai thác trầm, khai thác vàng trái phép, các hoạt động buôn bán xảy ra tại khu vực biên giới… càng khiến cho tình hình ở đây trở nên phức tạp hơn”.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 649 đang thực hiện nhiệm vụ nơi biên giới, thì đây thực sự là một thử thách rất lớn. “Công việc tuy vất vả nặng nề, nhưng anh em hạ quyết tâm ghê lắm”-anh Đồng tâm đắc. Quả vậy. Ở cái đất “thừa xương thiếu nạc” xa xôi này, dẫu có “họa vô đơn chí” cũng mặc! Thôi thì, từ người cán bộ đã nhiều năm gắn bó cho đến các chiến sĩ mới, đều nhận thức sâu sắc trách nhiệm thiêng liêng cao cả: Bảo vệ chủ quyền biên giới phải được gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng địa bàn vững mạnh về mọi mặt!
Xuất phát từ sự nhận thức ấy, Đồn Biên phòng 649, ngoài việc tiến hành đồng bộ các công tác nghiệp vụ, còn coi trọng và xác định công tác vận động quần chúng là một biện pháp cơ bản trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Bên cạnh việc đó, việc giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là điều kiện để gắn bó máu thịt giữa những người lính mang quân hàm xanh với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa nơi biên giới.

**Cây đời mãi xanh **
Trao đổi với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết, năm lại gối năm, mùa gối mùa-Đồn Biên phòng 649 thường xuyên cử cán bộ xuống tận các thôn, bản vận động nhân dân định canh định cư; tích cực đắp kênh mương làm thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, quân-dân đã chung sức làm mới gần 5.300m kênh mương, vỡ hoang đất trống để cấy lúa nước và trồng nhiều thứ cây có giá trị. Cán bộ Đồn cho hay, chỉ riêng việc khai hoang, vỡ đất cấy lúa nước cũng đã là một kỳ tích và là điều hết sức mới mẻ đối với đồng bào dân tộc Cà Tu.
Bà con trong vùng kể, bấy lâu, hạt gạo hiếm hoi và thường được nâng niu cất giữ như thứ của quý trong nhà, thảng hoặc mới dám nấu bữa cơm; người dân sống chủ yếu nhờ vào cây ngô, cây sắn. Trong khi đó, hàng trăm héc-ta đất trống để hoang hóa, khô cằn, đến cây cỏ dại còn khó mọc… “Nay nhờ cái BĐBP giúp cho mà vùng này mới có hệ thống tưới tiêu; rồi cái bộ đội lại “gieo” các kỹ thuật trồng trọt, thâm canh cho bà con…”. Trải qua bao tháng ngày vất vả, mồ hôi của những người lính quân hàm xanh hòa quyện với mồ hôi của đồng bào Cà Tu, đổ xuống đồng để cho “lúa mọc trùng trùng… xanh cả đồi nương”. Hàng trăm héc-ta diện tích đất khai hoang được vỡ chuyên dành trồng lúa nước, liên tục các vụ qua đều cho năng suất từ 4-4,5 tấn/ha. Bà con mừng quá đỗi. Từ chỗ thiếu ăn, đói kém, bây giờ nhiều nhà thóc đầy bồ, gạo đầy rương, có nhà còn dư thừa mang bán cho bộ đội… BĐBP đồn 649 còn vận động, hướng dẫn và kết hợp cùng nhân dân trồng được 125ha rừng quế, trên 50ha cây ăn quả, những loại cây này đang phát triển rất tốt, cho thu hoạch đại trà.
“Nghe nói, vùng này còn có cả một “ngân hàng bò”-tôi hỏi Đồn trưởng. Anh Đồng vui vẻ cho biết: “Thực hiện Dự án “Ngân hàng bò sinh sản bảo toàn vốn”, do BCH BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư, từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, BĐBP đồn 649 đã triển khai cho bà con vay với tổng số vốn hàng trăm triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhằm thực hiện Dự án đạt được hiệu quả cao, bộ đội tự chăn nuôi đàn bò làm thí điểm trước, sau đó thao diễn kỹ thuật, hướng dẫn cặn kẽ cho bà con cách chăm sóc, chăn dắt; cách xây dựng chuồng trại sao cho có khoa học, vừa đảm bảo vệ sinh, lại vừa tận dụng nguồn phân bón ruộng. Qua mấy năm thực hiện phương thức khi bò đẻ con thì chuyển bò mẹ cho hộ khác nuôi, từ chỗ mới có vài con bò sinh sản ban đầu, đến nay đã phát triển thành đàn bò hơn 100 con, hàng chục bê con. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng”…
Nếu tính ra, hơn 6 năm qua, nhân dân các xã đã có tổng số đàn gia súc hơn 6.000 con và đàn gia cầm khoảng 30.000 con. Rất nhiều mô hình: VAC, VAR, VACR… lần lượt ra đời. Tại các khu vực trung tâm cụm xã, các cụm kinh doanh buôn bán, sản xuất xay xát, làm nghề thủ công… mọc lên đều mang dấu ấn của Bộ đội Biên phòng 649… Và đây nữa, đồng bào đã gọi các công trình, các dự án do bộ đội Biên phòng 649 trực tiếp tham gia đóng góp, sát cánh cùng với dân bằng nhiều cái tên trìu mến: “Vòi nước biên phòng”, “Bò biên phòng”, “Ruộng lúa biên phòng”, “Rừng cây biên phòng”…
Bản làng của đồng bào Cà Tu bây giờ khang trang, gọn gàng, sạch đẹp hơn xưa rất nhiều. Những năm qua, bước đi của bộ đội BĐBP đồn 649 luôn gắn liền với cuộc sống của đồng bào nơi đơn vị đứng chân. Nghĩa tình quân-dân thật là gắn bó sâu nặng.

*** Box: Là đơn vị đứng chân nơi biên cương Tổ quốc, Đồn Biên phòng 649 (thành lập năm 1975), tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới từ cột mốc T4 đến T9 dài 39km. Đây là một địa bàn khá rộng, gồm 4 xã với 26 thôn, bản; có khoảng 1.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cà Tu; địa hình rừng núi hiểm trở, chia cắt; khí hậu quanh năm khắc nghiệt. Cán bộ Đồn cho biết, từ nơi đơn vị đóng quân về tỉnh lỵ phải đi mất 3 ngày đường (2 ngày đi bộ), vượt qua nhiều dốc cao, suối sâu với quãng đường dài hơn 300km…***
Bài và ảnh: Xuân Phong-Diệp Minh