Thiếu tướng Lưu Trọng Lư (bên trái) và tác giả, trước cửa hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên - ngày 19-3-2024. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng
Tôi may mắn vừa được về thăm lại Di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Và điều cũng may mắn nữa là được gặp lại Thiếu tướng Lưu Trọng Lư - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên ở ngay chính Mường Phăng - nơi mà 20 năm trước anh đã tận tình giúp tôi lấy tư liệu làm báo trong chuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm “Chiến trường xưa”, ngày 19-4-2004.
Ngày đó, anh Lư là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, còn tôi là Phóng viên Báo QĐND. Hồi ức mà khiến cả hai chúng tôi xúc động nhất là được chứng kiến hình ảnh đồng bào Điện Biên yêu thương, mong chờ được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp; mong chờ được nghe Đại tướng nói... Thật đặc biệt. Đặc biệt đến mức mà tôi thấy khó có thể dùng từ ngữ gì để khắc họa lại được đầy đủ hơn, trong khi 20 năm qua đã có rất nhiều bài báo, bức ảnh, thước phim... của các tác giả, trong nước và quốc tế mô tả lại sự kiện “độc nhất vô nhị” đó - ngày ấy báo QĐND đưa tin cập nhật hằng ngày...
Ở bài báo nhỏ này, tôi chỉ xin kể lại chuyện làm con đường tạm dài chừng 1km, qua mấy vạt lúa, qua mấy cây cầu cheo leo, qua mấy đoạn suối cạn; qua mấy vạt đường mấp mô, chỉ rộng chừng 60cm dưới những tán cây rừng và con suối cạn, thay cho con đường dự kiến sẽ dùng võng cáng Đại tướng vào thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phặng.
Số là, khi biết chuyện sẽ phải dùng võng cáng Đại tướng vào Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mừng Phăng, Đại tướng tỏ ra băn khoăn... Hôm ấy cố Đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký riêng của Đại tướng ghé vào tai tôi nói: “Anh Văn bảo chỗ nào đường khó không đi được thì thôi, để dịp khác, sao lại phiên hà dùng cáng thế...”.
Vừa hiểu ý băn khoăn của Đại tướng; vừa thấu lòng dân dành cho Đại tướng, Tỉnh ủy giao cho Bộ CHQS tỉnh tính toán có thể làm con đường mới để Đại tướng đi xe ô tô vào Sở Chỉ huy Chiến dịch trong rừng Mường Phăng...
Nghĩa là phải làm lại con đường ngay trong đêm. Khỏi phải nói đồng bào Mường Phăng ai cũng không những không hề tiếc hoa màu phải phá đi, mà còn tự hào được toại nguyện góp công, góp của làm đường cho Đại tướng đi...
Đồng bào thương Đại tướng đã ngoài 90 tuổi; chân lại đau, sức khỏe cũng không còn khỏe được như mấy năm trước, về đến Mường Phăng là Đại tướng đi vào thăm không sót một địa danh nào của Sở Chỉ huy Chiến dịch; đồng bào nhớ lần nào về Đại tướng cũng đến thăm đồng bào và nói hoàn toàn bằng tiếng đồng bào, với một tình cảm thật đặc biệt như người con đi xa lâu ngày mới trở lại...
Thế là, ngay từ 18 giờ ngày 18, dưới sự chỉ huy của Đại tá Lưu Trọng Lư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, hơn 400 người vừa là nhân dân, vừa là dân quân, vừa là bộ đội, vừa là công an... cùng với các loại máy xúc, máy ủi phân ra từng tốp, vừa tháo sạch nước các thửa ruộng, vừa vét hết bùn đến tận nền đất cứng, vừa lát đá, đổ đất làm lại con đường mới xuyên đêm, đến 3 giờ sáng ngày 19-4-2004 thì hoàn thành. Đường dài gần 1km, rộng chừng 5m, nối từ điểm đỗ máy bay trực thăng đến sát hầm Sở chỉ huy Chiến dịch.
Hôm ấy, phần vì nhiệm vụ, phần vì tình đồng đội, anh Lưu Trọng Lưu đồng ý nguyện vọng - cho tôi được thức theo anh chỉ huy làm đường. Tôi còn được ngồi trên xe cùng anh “nghiệm thu” con đường bằng cách đi thử tới vài lần; có chỗ khá chênh vênh, cứ sụt, lún đâu là sửa lại ngay đó, rồi lại đi thử....
Và 8 giờ sáng ngày 19-4-2004, khi chiếc trực thăng MI-8 hạ cánh ở bìa rừng Mường Phăng - Đại tướng bước ra cửa máy bay, vẫy tay chào rừng người đang ken kín chờ đón Đại tướng...
Rồi Đại tướng lên xe ô tô đi thẳng đến căn hầm của Sở Chỉ huy chiến dịch. Thật xúc động chúng tôi cũng không cầm được lòng mình, khi được chứng kiến những dọt nước mắt của Đại tứng chắt ra, chảy dài theo nếp nhăn của thời gian trên gương mặt hiền từ của Đại tướng...
“Đêm Mường Phăng không ngủ” ấy, là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời quân ngũ làm báo của tôi.
Huy Thiêm