Bên cạnh chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10-5-2017 và chính sách hỗ trợ về sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, Bộ LĐTBXH đưa ra một số đề xuất về chính sách áp dụng đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều như sau:
Hỗ trợ về giáo dục-đào tạo: Đây là chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang ý nghĩa to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là con em hộ nghèo dân tộc thiểu số. Do đó Bộ đề nghị con em thuộc hộ nghèo thiếu hụt đa chiều (đang đi học) sẽ được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ giáo dục-đào tạo hiện hành như đối với hộ nghèo thu nhập. Hỗ trợ về tín dụng ưu đãi: Hiện Nhà nước đang có chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với lãi suất ưu đãi áp dụng cho từng nhóm đối tượng. Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bộ cũng đề nghị các hộ nghèo thiếu hụt đa chiều còn khả năng lao động (trừ đối tượng hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) cũng được áp dụng chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Trợ giúp pháp lý: Theo đề nghị của Bộ, áp dụng thực hiện theo Quyết định 32/2016/QĐ-TTg ngày 8-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp điển hình.
Còn lại, các chính sách giảm nghèo hiện hành khác áp dụng như đối với hộ cận nghèo.
Mai Anh