Tháng 4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 nhằm nâng cao chất lượng lao động và tăng số lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, qua đó tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Mục tiêu của Đề án là đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài để góp phần giảm 8.000 hộ nghèo trong giai đoạn 2009-2010; xuất khẩu 50.000 lao động trong 5 năm tiếp theo (2011-2015) để có thể giảm được 45.000 hộ nghèo.
Với chính sách hỗ trợ hộ nghèo xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người nghèo đã háo hức xuất ngoại, mong ước được thoát nghèo. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn xuất ngoại, họ đã phải bỏ về với hai bàn tay trắng. Gia đình họ đã nghèo lại nghèo thêm và trở thành con nợ của ngân hàng không biết đến khi nào. Đến nay, số lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số làm việc ở nước ngoài cũng chỉ mới đạt 30% chỉ tiêu của Đề án. Nguyên nhân nào khiến một Đề án rất có ý nghía lại không triển khai hiệu quả? Phải khẳng định là cách thức vận hành, thực hiện Đề án đã và đang khiến người lao động, chính quyền các huyện nghèo đều khó tìm được hiệu quả.
Theo Đề án 71, người tham gia xuất khẩu lao động sẽ được bảo lãnh vay Ngân hàng Chính sách Xã hội địa phương 23-25 triệu đồng, nộp cho công ty môi giới xuất khẩu lao động. Số tiền này để chi mua vé máy bay, phí môi giới, phí quản lý lao động… Đối với người nghèo, khoản vay đó là rất lớn, nhưng khi ra nước ngoài làm việc thì rất đông trong số họ phải trở về nước trước thời hạn đa phần do không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ thuật, sức khỏe… Đơn cử số liệu sơ bộ từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam cho thấy, đến tháng 4-2014, số lao động đã về nước của địa phương này hơn 550 người, trong đó về nước trước thời hạn là 225 người. Đây chính là tình trạng chung ở tất cả các địa phương. Đáng chú ý, trên 80% số lao động về nước trước thời hạn không có điều kiện trả nợ. Như vậy, đi lao động ở nước ngoài không những đẩy họ vào con đường nghèo khổ thêm mà còn làm thiệt hại tiền của Nhà nước, doanh nghiệp.
Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án 71, hai mục tiêu quan trọng là giải quyết việc làm để xóa đói giảm nghèo và hoàn vốn cho Nhà nước đều không đạt được. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đồng tiền của Nhà nước đã không phát huy được hiệu quả, chưa thể tạo động lực để hộ gia đình, địa phương thoát nghèo bền vững. Đánh giá việc này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Số lao động là người dân tộc thiểu số xuất khẩu vẫn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có phong tục, tập quán, nhiều lao động ở vùng dân tộc cũng không muốn xa quê. Trình độ, điều kiện tiếp cận so với các vùng khác thì khó khăn hơn, nên doanh nghiệp không mặn mà về đây tuyển lao động đi nước ngoài dù đã có hỗ trợ đào tạo. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và khẳng định tiếp tục xem xét, đánh giá theo chỉ đạo của Chính phủ. Năm 2015 sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện Quyết định 71 để có những giải pháp tốt hơn giúp cho đồng bào dân tộc có điều kiện đi xuất khẩu lao động.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 71 trong thời gian qua, từ đó có những điều chỉnh hợp lý là việc làm cần thiết lúc này.
Dương Sơn