-
Được biết năm 1946, anh đã gặp Bác Hồ hơn một tiếng. Bác triệu tập anh à?
-
Năm 1946, tôi trúng đại biểu Quốc hội. Đúng dịp này, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cử đoàn đại biểu về Hà Nội, đến Bắc Bộ Phủ xin Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép Phú Thọ dùng vũ lực trị bọn Quốc dân Đảng. Tôi nhận mệnh lệnh phải gặp bằng được Chủ tịch nước để trực tiếp báo cáo, không qua trung gian.
-
Lần đầu tiên em biết chuyện này. Anh kể cho em nghe đi!
Đoàn đại biểu không do Phó chủ tịch UBHC tỉnh Vũ Thế Lĩnh làm trưởng đoàn mà là một trí thức mới trúng cử đại biểu Quốc hội dẫn đầu. Để có thêm bằng chứng đủ sức thuyết phục, thân nhân các gia đình bị bọn Quốc dân Đảng sát hại mặc tang phục cùng đi theo.
Đến Bắc Bộ Phủ (cũ) ở 12 Ngô Quyền, đoàn được đón tiếp niềm nở, thân tình. Chỉ sau ít phút, đoàn nghe thông báo:
- Vì Hồ Chủ tịch đang bị mệt nên đã cử một đại diện tiếp các đại biểu. Mời đồng chí trưởng đoàn vào gặp riêng Cụ.
Anh Việt Thanh đi theo cán bộ hướng dẫn vào một căn phòng nhỏ. Trông thấy ông già gầy, yếu, da xanh tái vì đang ốm, anh nhận ra ngay Hồ Chủ tịch. Anh thương quá, định không dám quấy rầy ông Cụ đang mệt. Người ngồi trên chiếc giường cá nhân đơn sơ, đã chủ động hỏi:
- Chú từ Phú Thọ về à? Chú báo cáo công việc đi!
Vì quá xúc động, anh Việt Thanh quên cả hỏi thăm sức khỏe Cụ. Anh đứng im, lúng túng. Thời đó, do chưa có thói quen và cũng chưa được phép gọi “Bác” xưng “cháu” nên anh Việt Thanh chọn đại từ nhân xưng là “chúng tôi” và “Cụ” để thưa chuyện. Hồ Chỉ tịch thân mật, dịu dàng:
- Chú ngồi xuống đi. Tình hình gay go lắm phải không?
Rất mừng là nhờ câu hỏi gợi ý đó, anh Việt Thanh nhớ đến trọng trách được giao. Anh kể chuyện bọn Quốc dân Đảng Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam… ngang nhiên chiếm nhà, lập trụ sở ở thị xã Phú Thọ, thị trấn Vĩnh Yên. Giữa ban ngày, ban mặt, chúng dám xông vào trụ sở UBHC tỉnh bắt cóc cán bộ. Bọn Quốc dân Đảng còn nã súng vào trại Vệ quốc đoàn… Trưởng đoàn Việt Thanh đưa ra đề nghị: “Nước ta có chủ quyển, nhân dân Phú Thọ đã có kinh nghiệm trừng trị phát xít Nhật; bộ đội Vệ quốc có súng đạn nên dư sức tiêu diệt, bắt gọn bọn Quốc dân Đảng”.
Hồ Chủ tịch im lặng, rất chăm chú lắng nghe, không ngắt lời người đối thoại. Khi anh Việt Thanh kết thúc “diễn văn” bằng đề nghị: “Đoàn đại biểu nhân dân Phú Thọ có nguyện vọng tha thiết, xin Hồ Chí tịch cho chúng tôi được đánh giặc”, ông Cụ mới lên tiếng. Cụ nói về những khó khăn của nước ta sau bầu cử 6-1-1946. Nước ta có quá nhiều việc lớn cần làm, vì vậy, Phú Thọ cần Nhẫn như Việt Vương Câu Tiễn.
Anh Việt Thanh biết chuyện ông vua nước Việt là Câu Tiễn bị mua nước Ngô là Phù Sai bắt. Câu Tiễn phải dọn chuồng ngựa, phải ngủ chung với ngựa. Có lần Phù Sai ốm, Câu Tiễn đã chịu nhục tới mức nếm phân của kẻ thù để Phù Sai cảm động, thả về nước. Câu Tiễn đã luyện quân, chờ thời cơ đánh trận phục thù và đã bắt được Phù Sai. Anh chưa thông vì chuyện quét sạch Quốc dân Đảng ở địa bàn Phú Thọ rất dễ thực hiện.
Nghe anh Việt Thanh cãi lý, ông cụ điềm đạm:
- Chú chưa thông nên không thể giải thích cho các thành viên trong đoàn cùng thông cảm và khi về địa phương khó tạo được nhất trí trong nhân dân. Quân Tưởng xúi bẩy bọn Quốc dân Đảng khiêu khích, nếu ta không giỏi nhịn, sẽ mắc mưu chúng. Vấn đề chính là quét sạch được 20 vạn quân Tưởng ra khỏi nước ta.
Hồ Chủ tịch đề ra một tình huống yêu cầu anh Việt Thanh xử lý:
- Có một cây gỗ chắn ngang dòng suối. Bao nhiêu rác rưởi, bèo bọt từ thượng nguồn trôi về đều mắc lại làm dòng suối trong sạch trở nên bẩn thỉu, ô uế. Lúc ấy chú trèo lên cây gỗ đổ, suốt ngày đêm cứ ra sức vớt rác thả xuống hạ lưu. Hỏi rằng cả đời chú, rồi con cháu chú cũng cứ làm việc ấy liệu có vớt hết được rác không? Chắc chắn là không rồi. Vậy, muốn thanh toán hết rác rưởi, bèo bọt ấy, lấy lại dòng sông trong lành thì phải làm gì?
Anh Việt Thanh bị hỏi bất ngờ nên ấp úng chưa nghĩ được câu trả lời, Bác nói tiếp:
- Phải rủ nhau, bảo ban nhau, muôn người như một, xúm lại cùng nhau một ý chí, một quyết tâm, đẩy cho cây gỗ trôi băng đi thì chắc chắn dòng suối ấy sẽ sạch. Hiện nay, ta phải biết chọn việc chính mà làm, làm một việc giải quyết được nhiều việc. “Mời được 20 vạn quân Tưởng về nước, rồi sau đó chúng ta không phải giải quyết vấn đề Quốc dân Đảng nữa.
Anh Việt Thanh hoàn toàn bị Hồ Chủ tịch thuyết phục bởi câu chuyện đơn giản mà sâu sắc đó. Thấy người nghe đã thông suốt, Hồ Chủ tịch tươi cười hỏi:
-
Bây giờ chú có thể ra phòng khách nói chuyện, khuyên bà con trở về, không xin Cụ Hồ cho phép đánh Quốc dân Đảng, được không?
-
Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ Hồ Chủ tịch đã giao.
Về Phú Thọ, đến đầu tháng 3 năm 1946, có Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, quy định quân viễn chinh Pháp được kéo vào nước ta, bà con Phú Thọ không thắc mắc nhiều. Đến tháng 6-1946, quân Tưởng cũng phải lũ lượt kéo nhau trở về Trung Quốc. Trên đất nước ta, không còn bóng dáng một tên lính Tưởng. Cuối cùng, ngày 24-6-1946, bọn Quốc dân Đảng phản động Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần… cũng cuốn gói chạy khỏi thị trấn Việt Trì, thị xã Phú Thọ, theo con đường Yên Bái, Lào Cai sang Trung Quốc
Bác Hồ đã đi xa. “Đẩy cây gỗ chắn ngang dòng suối”, giúp chúng ta nhớ tới kiến thức uyên thâm, dân dã, đầy sức thuyết phục của Bác Hồ kính yêu.
NTT