
Lấp ló sau cánh đồng lúa chín vàng, nhà của bác sĩ Đào Viết Thoàn hiện ra như một “ốc đảo” xanh mát. Đón chúng tôi với một nụ cười rất tươi và cái siết tay thật chặt, trông anh chẳng có vẻ gì là của một thương binh nặng hạng 1/4 với nhiều vết thương chằng chịt trên cơ thể. Anh dẫn chúng tôi đi thăm phòng khám, khu nhà nội trú, tất cả đều sạch sẽ, thoáng mát. Các bệnh nhân của anh đến từ nhiều địa phương với nhiều trường hợp bỏng khác nhau, có người bị bỏng do điện, có người bị bỏng do nổ bình ga… Mỗi trường hợp lại được điều trị theo những phương thức khác nhau nhưng có một điểm chung là đều tiến triển rất nhanh, như một cháu bé mới được hơn 2 tuổi bị bỏng toàn thân do nước sôi, mới được anh chữa trị mới hơn chục ngày mà đã bắt đầu dần bình phục.
20 năm qua, anh Thoàn đã cứu chữa cho hơn 15.000 bệnh nhân bỏng ở khắp nơi trong cả nước từ TP Hồ Chí Minh, Sông Bé, Điện Biên, Lai Châu đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên… Trong số đó, anh đã điều trị miễn phí cho hơn 4.000 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, miễn phí hoàn toàn tiền thuốc, tiền công, chỗ ở, điện nước cho tất cả các bệnh nhân dưới 3 tuổi, cho bệnh nhân là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, trẻ em mồ côi và các bệnh nhân nghèo.
Có được những thành công như vậy, một phần do anh may mắn được sư cụ Thích Đàm Lương ở chùa Trắng (Thanh Trì, Hà Nội) truyền cho bài thuốc chữa bỏng gia truyền; còn một phần cũng là do anh phải dày công nghiên cứu kết hợp giữa Đông y và Tây y để tìm ra được công thức pha chế thuốc đặc biệt mà khi đắp vào vết bỏng đều rất mát, không hề xót. Thuốc có tác dụng nhanh chóng, hút các chất bị hoại tử ra ngoài, đồng thời, nuôi và kích thích các tế bào phát triển. Các bệnh nhân bị bỏng đều rất sợ khi thay băng vì băng gạc thường dính vào vết thương gây đau đớn. Nhưng đối với bài thuốc đặc biệt do anh Thoàn điều chế thì khi bóc ra thay băng không hề dính vào vết thương. Vết bỏng nhanh liền, không để lại di chứng, rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm được chi phí cho người bệnh.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Thoàn tâm sự: “Trong chiến tranh, tôi đã từng bị bỏng, bị thương rất nặng, chính vì vậy mà tôi hiểu và cảm nhận được nỗi đau của bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng, mỗi người thầy thuốc đều phải có được tấm lòng “lương y như từ mẫu, thương người như thể thương thân”, biết thông cảm, chia sẻ với những cơn đau của người bệnh, những khó khăn của người nghèo, chứ nếu chỉ thích làm giàu thì tôi đã giàu từ lâu lắm rồi”.
Cảm thông với nỗi đau của bệnh nhân nghèo, những khó khăn của họ, anh miễn tiền phòng, tiền điện nước, chi phí khám bệnh cho các bệnh nhân từ xa đến phải ở lại điều trị dài ngày, ngay cả tiền thuốc cũng cố gắng giảm thiểu một cách tối đa. Hỏi chuyện điều trị nội trú tại nhà anh Thoàn, có bệnh nhân nói với chúng tôi: “Những ca bỏng nhẹ thì tiền thuốc chỉ mất 5-6 chục ngàn, còn những ca nặng, phải ở lại điều trị dài ngày như tôi thì cũng chỉ tốn tới vài trăm ngàn thôi, chả đáng là bao so với các chi phí nếu phải đến bệnh viện”. Chính những hành động “thương người như thể thương thân” đó đã tạo nên hình ảnh của một lương y đầy tính nhân văn mà cũng rất bình dị trong cuộc sống đời thường.
Hoàng Linh