Thằng Toàn - con tôi, mới hai tuổi đầu phải gửi sang bà ngoại. Gà sống nuôi con, bè bạn mách mối vài đám, nhưng ngày đó cứ nghĩ cái cảnh "rổ rá cạp lại", rồi "con riêng con chung" mà ngại.
Ở vậy gần hai chục năm, khi đã ngoài 50 tuổi, tôi mới thấy đúng như người ta nói: Nhà thiếu người phụ nữ là không thể được. Đúng lúc ấy, thằng Toàn con tôi (nó đã trở thành anh bộ đội) từ Vĩnh Linh điện về: "Con lấy vợ, bố vào ngay". Đột ngột quá, tôi sững cả người. Nhà có hai bố con, nó lấy vợ tận trong đó, để mặc tôi ngoài này cho ai? Tôi tất tưởi xách ba lô từ Thanh Hóa vào Vĩnh Linh, định nói với nó: Vợ con về quê mà lấy, trâu ta ăn cỏ đồng ta thôi. Nhưng gặp nó, tôi phải cố làm vui. Toàn xin phép đơn vị, đưa tôi đi thăm người quen. Dọc đường, nó mới thú thật:
- Bố ạ! Con chưa có ý định lấy vợ đâu. Nhưng nghĩ bố ở nhà lủi thủi một mình, tội lắm. Con định mua miếng đất ở đây, bố lên trông nom, sau này có con dâu, gia đình quy về một mối. Vả lại, quê ta đất chật người đông, làm ăn khó lắm. Sắp tới, con lại phải đi học dài hạn. Miếng đất con định mua rộng chừng hai sào, gần đường; nhà ba gian lợp ngói; bếp, giếng, chuồng lợn… đầy đủ. Nếu bố ưng, con sẽ tính đến chuyện xây dựng gia đình.
Tôi gắt:
-
Ôi chao, tiền đâu mà tậu một cái dinh cơ như thế? Một lúc làm hai việc lớn, anh không đùa đấy chứ?
-
Con cũng đã nghĩ đến điều này, nhưng cũng có cách giải quyết: Anh em giúp đỡ. Nếu bán được cái mảnh đất ngoài quê thì cũng gần đủ.
Nghe đến đây, tôi càng lộn tiết lên:
- Hóa ra là như thế. Anh tính toán lạnh lùng thật! Mồ mả ông bà và mẹ anh bỏ cho ai? Mấy đời nhà mình gắn bó với quê hương, nay bỏ mà đi à?
"Cu" Toàn chống đỡ:
- Con biết, đối với bố thì khó khăn nhất là điều ấy. Song mọi người thường nói "Con cái ở đâu thì cha mẹ ở đó" mà. Thôi, đã đến đây, bố cứ đến xem thử….
Rồi Toàn dẫn tôi vào một gia đình cách đơn vị khoảng dăm trăm mét. Chủ nhà là một phụ nữ ngoại tứ tuần, người đậm đà, nét mặt hơi buồn. Không để cho tôi kịp lên tiếng chào hỏi gì, nó giới thiệu:
- Bố em đấy, chị Thành ạ.
Cô chủ nhà nhìn tôi, cười:
- Nghe chú Toàn nói chuyện, tôi cứ nghĩ bác phải già lắm, hóa ra hai bố con ra đường, người ta nhầm là anh em.
Trước cử chỉ tự nhiên mà gần gũi của cô Thành, tôi đâm lúng túng… Rồi chẳng biết thế nào, nó lấy cớ đi công tác đột xuất, vận động tôi ở lại đó mấy ngày nhân thể giúp chị Thành cải tạo lại mảnh vườn tạp. Mấy ngày ở lại, đêm thì về nhà khách đơn vị, sáng cô Thành lại đi xe máy đến đón. Mảnh đất đẹp như thế mà không có tay người đàn ông thật phí quá. Rồi tôi biết thêm Thành từng là tiểu đoàn phó tiểu đoàn thanh niên xung phong, từng có một mối tình rất đẹp ở chiến trường. Chờ đợi mãi, đến nay đã thành vô vọng. Bây giờ cô Thành làm Chủ tịch Hội CCB xã…. Thấy người, thấy hoàn cảnh thế, tôi cũng "rất mủi lòng", và tôi càng làm vườn giúp cô ấy tích cực hơn. Bốn ngày sau, thằng Toàn mới xuất hiện, nó nói với Thành:
- Mai em đưa bố em về. Cảm ơn chị những ngày qua đã giúp đỡ bố em. Còn chuyện mua nhà ở trên này, bố em không ưng thì em cũng phải theo ý cụ thôi.
Cô Thành có vẻ bối rối. Còn tôi chả biết đối phó thế nào, cuối cùng cũng nói được một câu:
- Vườn tược của cô, nếu tôi còn ở đây vài ba buổi nữa, là hoàn thành. Cứ đào hố sẵn những chỗ đã đánh dấu. Sang xuân, tôi đưa cây vào trồng là lên ngay. Còn chuyện nhà cửa tùy ở con. Bố thì chỗ nào ở cũng được, đâu chả là quê hương…
Nghe vậy, cô Thành vội nói:
- Giá không bận, thì chú để ông giúp cho mấy hôm nữa và ở chơi với tôi cho thoải mái rồi hãy về….
Thế đấy, nhịp cầu hạnh phúc do cái thằng "cu" Toàn nhà tôi nó bắc thế đấy! Cô ấy mời vậy, chối sao được. Khi đã thành vợ chồng rồi, cô ấy bảo: "Anh có biết vì sao em lấy anh không?". Tôi bảo:"Vì yêu ông già giỏi trồng cây, làm vườn". "Chả phải - Cô đáp - Chỉ vì quý cái đức độ của ông con, mà chấp nhận ông bố đó: Mồ côi mẹ mà có trình độ, tư cách như thế, thì chắc chắn phải có một người cha quý lắm. Cha con người lính Cụ Hồ có khác….".
HỒNG PHƯƠNG và VĂN MƯỜI