Chuyện rất hài hước trong ngành giáo dục nước mình. Đó là kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30/2014 quy định “một số điểm mới cơ bản về đánh giá học sinh tiểu học” có nội dung bỏ chấm điểm như trước đây, thay bằng nhận xét, đánh giá của thầy cô giáo.
Vừa triển khai, nhiều thầy, cô giáo có “sáng kiến” thuê thợ khắc dấu những nhận xét cơ bản, bằng chữ nghiêng, rất chuẩn và rất đẹp. Ví dụ: “Cô khen”; “Em đã hoàn thành” “Em cần cố gắng”…
Để “con dấu” vừa sinh động, vừa đẹp, bên cạnh hàng chữ còn có những hình minh họa: Bông hoa hồng ở dấu “Cô khen”; vành trăng khuyết ở dấu “Cần cố gắng thêm”. Đã có một cô giáo công bố, để tiết kiệm, bắt đầu từ sang năm dấu của cô giáo sẽ cải tiến chỉ dùng biểu tượng.
Thế là thay cho ngày trước cho điểm, thì nay các thầy, cô “đóng dấu”. Kiểu này chắc chắn nhanh hơn là cho điểm. Mà 100% giống nhau, lại có khi còn tránh được những học sinh ranh mãnh chữa điểm nói dối bộ mẹ như trước thường thấy…(!)
Chuyện đến tai Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không hiểu bằng đường nào đã “bay” đến cả tai Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Đương nhiên thì lập tức Bộ Giáo dục và Đào tạo ra ngay một thông tư khác, cấm kiểu “đóng dấu” nhận xét đó.
Giáo sư Ngô Bảo Châu thì nói ý nhị. Đại ý: Quy trình đổi mới giáo dục của Việt Nam ngược với thế giới.
Còn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, thì thẳng tuột nói: “Những “lời khen gỗ” ấy đang “gỗ đá hóa” trí tuệ, tâm hồn của những người vẫn được xã hội trân trọng gọi là “kỹ sư tâm hồn. Nhà giáo phải dành cả trí tuệ, tình cảm của mình vào từng lời phê thì lời phê ấy mới có tác dụng giáo dục, động viên học sinh”.
Nghĩa là như GS Ngô Bảo Châu nói, phải có cơ chế đúng để chọn “thầy ra thầy”, rồi mới hi vọng có “trò ra trò”. Làm trái đi thì cứ quanh quẩn như ý câu đồng giao: “Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến mà leo cành đào leo phải cành cụt leo vào leo ra”…

Huy Thiêm