Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Báo Lao động.

Vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra, đồng chí Nguyễn Quyết (sau này là Đại tướng Nguyễn Quyết) mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng nhưng đã là Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ Quốc quân.

Đồng chí Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20-8-1922 ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1937, ông mới 15 tuổi nhưng đã rời quê lên Hà Nội tìm việc làm, kiếm sống. Ông xin vào làm việc tại Báo Đuốc Tuệ-một tờ báo tuyên truyền đạo Phật của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ. Công việc chính của ông là làm thư ký kiêm phát hành báo. Nhờ đó, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều người thuộc các giới và tầng lớp khác nhau, nhất là gần gũi công nhân, người lao động thành phố nên hiểu được nỗi khổ nhục của người dân mất nước cũng như tội ác của thực dân và tay sai.

Qua tiếp xúc với báo chí cách mạng, ông biết ngày càng đầy đủ hơn về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nghĩa Mác-Lênin, nước Nga Xô viết và chủ nghĩa cộng sản. Ông được giác ngộ và tích cực tham gia các hoạt động cách mạng ở Hà Nội. Một trong những dấu ấn đặc sắc của đồng chí Nguyễn Quyết là dùng triết lý nhà Phật để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng vào phong trào công nhân một cách dễ hiểu nhất. Từ hoạt động thực tiễn, ông sớm trở thành người cộng sản và bị bọn mật thám phát hiện, đưa vào “sổ đen” để theo dõi. Vì vậy, năm 1939, Đảng đã cử ông trở về Hưng Yên để tránh bị lộ và xây dựng phong trào cách mạng. Cùng với các đồng chí của mình, ông đã góp phần quan trọng vào việc gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở quê nhà: Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong những năm 1939-1941. Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, từ giữa năm 1941, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công về Hà Nội tiếp tục hoạt động với nhiệm vụ: Xây dựng căn cứ cách mạng ở ngoại thành Hà Nội và phụ trách công tác công vận (vận động công nhân). Đây là hai nhiệm vụ với hai đối tượng khác nhau, ở hai địa bàn khác nhau trong thời điểm địch ráo riết khủng bố, phong trào cách mạng ở Hà Nội chỉ còn một số cơ sở hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn, bản thân ông lại chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác công hội nên phải cố gắng rất nhiều mới hoàn thành nhiệm vụ.

Lăn lộn trong phong trào, trực tiếp gắn bó với cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với quần chúng, Nguyễn Quyết đã cùng các đồng chí của mình khôn khéo hoạt động, nhiều phen thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Khó khăn dần dần được khắc phục, các cơ sở cách mạng hoạt động trở lại; phong trào quần chúng ngày càng phát triển, ông đã tập hợp được nhiều quần chúng tốt, nhờ đó, nhiều chi bộ thuộc Ban Công vận của Thành ủy ra đời. Do gần gũi, giản dị và chân thành, ông được các cơ sở quần chúng trung kiên có cảm tình, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cách mạng nên đã phát huy và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm xây dựng chi bộ ghép Dưỡng Phú-Tiên Cầu ở Hưng Yên vào xây dựng cơ sở đảng ở các xã ngoại thành Hà Nội, cùng các đồng chí của Thành ủy Hà Nội góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, sống ở nông thôn nhưng bằng sự nỗ lực cá nhân, kiên trì học hỏi, kiên quyết khắc phục khó khăn để vươn lên, lại được sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của đồng chí, đồng đội và nhân dân, ông đã nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng, gắn bó với phong trào cách mạng, cùng các đồng chí trong Ban Công vận Thành ủy tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ anh chị em công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên tổ chức được Tổ công nhân cứu quốc; bồi dưỡng và phát triển được nhiều đảng viên, khôi phục lại phong trào công nhân ở Hà Nội sau nhiều đợt khủng bố ác liệt của thực dân Pháp và tay sai.

Nguyễn Quyết đã chủ trì bồi dưỡng và kết nạp được gần hai mươi đảng viên lớp Hoàng Văn Thụ làm nòng cốt gây dựng phong trào cách mạng và phát triển Đảng trong công nhân và sinh viên ở Hà Nội, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Dù rất bận công việc, ông vẫn dành thời gian nghiên cứu các tài liệu chính trị-quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa và chiến thuật du kích, biện pháp đánh giặc. Với sự hiểu biết sâu rộng và năng lực chỉ huy quyết đoán, sáng tạo, Thành ủy Hà Nội đã phân công đồng chí Nguyễn Quyết phụ trách công tác quân sự. Đây là công tác quan trọng để chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Tháng 11-1944, Đảng và Bác Hồ chỉ định đồng chí Nguyễn Quyết làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận công tác khác. Trở thành người đứng đầu ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, trực tiếp phụ trách công tác quân sự, ông đã cùng các đồng chí trong Thành ủy vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện và tìm nguồn vũ khí, trang bị quân sự cho các đội tự vệ vũ trang công-nông một cách khôn khéo ngay trước mũi quân thù. Đó là thời kỳ “một ngày bằng hai mươi năm” sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng đổi đời, giành chính quyền về tay nhân dân.

Các đơn vị vũ trang Hà Nội được hình thành trong những ngày tiền khởi nghĩa, đó là Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong, Đội Công nhân tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu. Đây là hai đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Hà Nội, tập hợp, hội tụ nhiều thanh niên là công nhân, học sinh có tinh thần cách mạng nhất. Bằng những hoạt động quyết liệt, thông minh, táo bạo “xuất quỷ nhập thần” ngay trong dinh lũy của phát xít Nhật và tay sai, các đội vũ trang công-nông đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng ở Hà Nội, làm cho nó trở thành cao trào trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây cũng là điều tâm huyết, “sản phẩm tư duy sáng tạo, sắc sảo” của đồng chí Nguyễn Quyết và các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội.

Ngày 9-5-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và mở mặt trận phía Đông, giao tranh với quân đội của Nhật Hoàng. Trước tình thế ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán chủ nghĩa phát xít nhất định sẽ bị tiêu diệt; phát xít Nhật sẽ nhanh chóng bị thất bại trước sự tiến công như vũ bão của quân đội Xô viết và các nước đồng minh. Đây là thời cơ để nhân dân ta giành lại độc lập. Nắm chắc sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ và hào hứng thực hiện “Thư kêu gọi khởi nghĩa” của Bác Hồ, ngày 15-8-1945, tại chùa Hà (Dịch Vọng), Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị quân sự bất thường với chỉ huy các đội tự vệ để kiểm tra và thống nhất lực lượng, phân công chuẩn bị khởi nghĩa. Sau nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về thời cơ, phương thức, lực lượng khởi nghĩa, hội nghị quyết định phải tổ chức một đợt hoạt động nhanh nhưng thật mạnh mẽ để tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và thăm dò thái độ của quân phát xít Nhật.

Nhận thấy thái độ của Nhật “án binh bất động”, cố thủ trong doanh trại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị ngay trong đêm 17-8-1945 để đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Lực lượng chủ yếu là quần chúng cách mạng, có lực lượng quân sự làm nòng cốt, hỗ trợ đắc lực. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Không chờ quân Giải phóng từ Chiến khu Việt Bắc về. Chờ sẽ mất thời cơ. Đây là một quyết định đúng đắn, đầy tự tin, chủ động, sáng tạo và cũng rất độc đáo với một phương thức rất phù hợp, sát với tình hình thực tế của Hà Nội nhưng cũng rất táo bạo, quyết đoán vì nó xảy ra ở một vị trí chiến lược trong khi chưa nhận được lệnh của Trung ương. Thành ủy Hà Nội đã không thụ động chờ đợi, không ỷ lại, mà quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một thời cơ có một không hai trong lịch sử.

Sau này nhớ lại, Đại tướng Nguyễn Quyết cho rằng, đó là một quyết định táo bạo chỉ trong vài giờ nhưng đã được chuẩn bị nhiều năm, được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng vì nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Với 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng nhưng đồng chí đã dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo phong trào cách mạng nên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết tin đó là một quyết định sáng suốt, rất kịp thời của ông và của cả một tập thể lãnh đạo. Đó là những đồng chí đã gắn bó, sống chết với Thủ đô nhiều năm, những người nắm rõ tình hình địch, ta và diễn biến của tình hình qua từng ngày, đã phân tích thấu đáo tình hình cụ thể nên các quyết định đều chính xác, chứ không phải là một quyết định nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Điều đó thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự khát khao được giải phóng dẫn dắt, chi phối. Hơn nữa, nếu để tuột thời cơ nghìn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ như thế nào khi quân đồng minh đến Hà Nội.

Dấu ấn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết thể hiện sâu sắc ở quyết định này. Hà Nội đã khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945 và giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu, trở thành niềm tin, sức mạnh, sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc, nhất là các thành phố lớn: Huế, Sài Gòn.

Hà Nội khởi nghĩa giành thắng lợi mau lẹ đã chứng minh quyết định của tập thể lãnh đạo Thành ủy về phân tích, đánh giá tình hình, chọn thời cơ, sử dụng lực lượng, phương thức tiến hành khởi nghĩa là hoàn toàn chính xác. Đây là một quyết định sáng suốt và nó đã trở thành một hình mẫu tiêu biểu về khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Hà Nội trong khởi nghĩa giành chính quyền đã góp phần quan trọng trong đúc kết, khái quát nên bài học kinh nghiệm sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, nhất là về phân hóa kẻ thù, nắm bắt và tận dụng thời cơ, kịp thời ra quyết định khởi nghĩa. Vì vậy, nó thể hiện rõ thái độ ứng xử văn hóa vô cùng tinh tế, đầy tính nhân văn của Đảng, của đất nước, con người Việt Nam đối với kẻ thù; nhờ đó đã hạn chế tối đa sự chống trả của chúng, tiết kiệm xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giữ được thành phố yên lành.

Ai đó cho rằng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi là may mắn, đó là một suy nghĩ sai lầm. Hà Nội khởi nghĩa giành thắng lợi là minh chứng giải thích rõ tại sao đồng chí Nguyễn Quyết mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng đã được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội-một thành phố lớn; sau đó đồng chí Nguyễn Quyết được Đảng, Bác Hồ cử “Nam tiến”, làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó trở thành Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Ủy viên Ban Bí thư khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa IV, VII, VIII.

Đại tướng Nguyễn Quyết hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung; là vị tướng tài năng, đức độ và mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị; là tấm gương sáng về vượt khó vươn lên, một lòng vì nước, vì dân. Ông trở thành một vị tướng quân đội, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đầy đủ Trí-Dũng-Nhân-Tín-Liêm-Trung cho các thế hệ cách mạng hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG