Đổi mới giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung được Đảng ta đưa ra nhiều quan điểm mới trong Văn kiện của Đảng được thông qua tại Đại hội XIII.

Tuy trình bày trong Báo cáo Chính trị chưa đến 1.000 từ tại mục V với tiêu đề: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...”, Đảng ta đã đề cập một cách toàn diện với những yêu cầu mới về công tác giáo dục và đào tạo trong 5 năm tới; xác định, mục tiêu của đào tạo không chỉ nhằm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, mà còn “phát triển con người” (trước đây chỉ nhấn mạnh phát triển nhanh giáo dục và đào tạo). Mới nhất của của mới nhất là Đảng ta đã đặt ra mục tiêu Việt Nam tham gia thị trường nhân lực quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, yêu cầu hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.138).

Có thể nói, một trong những hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo nước ta nhiều năm qua chính là đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến số lượng lớn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngay khi nghị quyết được ban hành, hầu hết hệ thống các trường đào tạo nước ta đã chuyển đổi ngay nhận thức, gắn kết với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường. Điển hình như Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc. Phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Trung Thiện cho biết: “Hiện nay, nhà trường hợp tác với doanh nghiệp như: Đưa học sinh của trường đến trải nghiệm, thực tập; phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc... Việc hợp tác đem lại hiệu quả tích cực, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội được tiếp cận công nghệ mới và thực hành trên các trang thiết bị sản xuất hiện đại...”.

Phạm Vũ Hải