Nông nghiệp đã có bước phục hồi mãnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016. Tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 2,94% trong năm 2017. Xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD. Hàng loạt các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD.
Trong đó tiêu biểu là gạo, cà phê, hạt điều, rau củ quả… Nhiều loại trái cây của Việt Nam đã xâm nhập được vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, New Zealand…
Đóng góp vào những thành tựu nói trên là cố gắng vượt bậc của những người nông dân. Rất nhiều nông dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, biết sản xuất các nông sản theo tiêu chuẩn Việt GAP, theo tiêu chuẩn nông sản hữu cơ. Họ đang thật sự làm nên một diện mạo mới cho nền nông nghiệp nước nhà. Năng lực của những người nông dân vì vậy cũng chính là năng lực của nền nông nghiệp.
Với ý nghĩa như trên, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong những năm 2010-2014, Nhà nước đã đầu tư 4.139 tỷ đồng cho hoạt động dạy nghề. Mục tiêu hướng tới là sẽ đào tạo nghề cho 5 triệu lao động nông thôn. Chỉ trong 2 năm 2016-2017, có tới 1,1 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp.
Ý nghĩa của chương trình là rất lớn. Tuy nhiên, cách làm thì không phải là không có vấn đề. Tình trạng tổ chức dạy nghề theo phong trào, dạy theo kiểu “đánh trống nghi tên”, dạy để giải ngân không phải không có. Ví dụ dễ thấy nhất là lớp đào tạo nghề hoạn lợn cho cả xóm. Điều đáng nói là có vẻ như xóm này người ta không nuôi lợn. Mà có nuôi thì tìm ra đủ lợn cho cả xóm hành nghề quả thực là một sự thách đố. Dạy nghề như vậy thì quả thực chỉ là một sự phí phạm thời gian, tiền bạc của cả người học lẫn người dạy.
Rõ ràng, thời gian tới, chúng ta cần thiết kế lại chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách thiết thực và hiệu quả hơn. Một chính sách chỉ tốt ngang bằng với việc nó được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng vậy. Thiếu một cách làm khai sáng và hiệu quả, chính sách này không khéo chỉ đạt được một kết quả duy nhất là giải ngân mà thôi.
Nên chăng, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên được chia thành hai phần. Phần một là những kiến thức phổ thông cơ bản nhất về kinh tế thị trường, như quy luật của cung cầu, như các phân khúc thị trường và quan hệ khách hàng… Phần hai là về các nghề cụ thể.
Phần một nên cung cấp cho tất cả mọi người nông dân. Với những kiến thức này, người nông dân có thể làm chủ được các hoạt động kinh tế của mình và tránh được việc sản xuất nông sản hàng hóa theo phong trào. Thực tế cho thấy, việc sản xuất theo phòng trào là nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại nhất cho những người nông dân. Cảnh những người nông dân ngồi khóc bên ruộng dưa, ruộng hành, bên chuồng lợn… vì sản phẩm không tiêu thụ được sẽ còn ám ảnh chúng ta mãi mãi, nếu rủi ro của thị trường không được nhận biết và không được tìm cách giảm thiểu. Thực ra, “được mùa, mất giá” là gì nếu chẳng phải là do dư cung ở trên thị trường?!
Phần hai chỉ cung cấp theo yêu cầu. Người nông dân sẽ chọn nghề theo sở trường và nhu cầu thực tế của mình. Không có chuyện tổ chức dạy nghề hàng loạt cho tất cả mọi người. Người nông dân sẽ tự đăng ký xem mình chọn học nghề gì, thâm chí chọn học ở đâu.
Việc triển khai cung ứng các dịch vụ đào tạo cũng cần rất sáng tạo và thiết thực. Tài liệu về kinh tế thị trường phải được soạn thảo một cách phổ thông và dễ hiểu nhất. Ví dụ phải lấy từ đời sống thật của những người nông dân. Những thành công và những thất bại đều cũng cần được lấy từ cuộc sống thực của họ. Các bài giảng có thể được chuyển tải thông qua truyền hình và đưa lên mạng internet. Không nhất thiết bao giờ cũng phải tổ chức học tập trung.
Thực ra, hoàn toàn có thể tài trợ cho các Trưởng thôn để tổ chức cho cả thôn cùng nghe các bài giảng trên truyền hình hoặc các bài giảng được tải xuống từ mạng internet. Việc đào tạo nghề cũng cần được tổ chức linh hoạt. Thậm chí chương trình có thể tài trợ cho các nông dân có tay nghề giỏi đào tạo cho các nông dân khác. Phải bảo đảm rằng người nông dân được học cái họ cần và cái họ muốn, chứ không phải chỉ đi học để lấy tiền bồi dưỡng.
Cuối cùng, chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương đúng. Chủ trương đúng nhưng kết quả hoàn toàn vẫn có thể không đạt được, nếu thiếu một cách làm khai sáng và thiết thực.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng