"Làm anh", trong nguyên tác, bao gồm những việc mà tựu trưng lại là phẩm chất gương mẫu, nhường nhịn… Từ cái góc bé tý tẹo của trẻ thơ, "Làm anh" ra đời sống để chỉ sự "đáng mặt anh" của người lớn hơn với kẻ nhỏ hơn. Tức, "người anh", trước hết, phải hơn "người em" về mọi mặt, từ vị trí xã hội, điều kiện kinh tế, đến năng lực tư duy... Thứ đến, "người anh" phải hơn "người em" ở vị trí tình cảm, phải là người "đứng trên", bao bọc "người em". Và, điều quan trọng hơn, "anh" phải thực sự "đáng mặt anh", phải là hình tượng đẹp đẽ để nêu gương cho "người em".
Làm anh của một hay một vài người em, nếu trọn vẹn như những "điều kiện" trên, đã là vô cùng khó. Những để làm một "quốc gia đàn anh", e còn khó hơn vạn lần!
Một "quốc gia đàn anh", trước hết lớn hơn "quốc gia đàn em" rất nhiều về quy mô diện tích, dân số, nền kinh tế, vị thế quốc tế... Thứ đến, trong cách hành xử, "quốc gia đàn anh" phải thể hiện sự xứng đáng là một "người anh". Ở đó, không chỉ không "tranh phần" mà còn "nhường phần" cho "người em".
Trong quan hệ quốc tế, không thiếu những mẫu hình đẹp về quan hệ "quốc gia đàn anh" và "quốc gia đàn em", mà Việt Nam cũng là một trong những nước xây dựng được mối quan hệ mẫu mực đó. Nhưng đáng tiếc, một trong những mối quan hệ truyền thống tốt đẹp ấy đang bị thử thách khi mà Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tàn phá mối tình của hai dân tộc đã dày công vun đắp nhiều thập niên qua. Hơn thế, việc làm đó còn gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín quốc tế của một quốc gia thành viên Hội đồng thường trực Bảo an liên hiệp quốc. Và, làm xây xước hình ảnh của một "người anh"!

Huy Quân