Chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Thuận (đầu hàng bên trái) cùng đồng đội tuần tra bảo vệ địa bàn.

Từ thị trấn Tân Hưng theo kênh T2 đi ca nô cao tốc chừng hơn 1 giờ, chúng tôi đến xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - nơi lực lượng dân quân nơi đây đang vào mùa huấn luyện.

Trao đổi với Xã đội trưởng Nguyễn Văn Ngọc, chúng tôi được biết: Vĩnh Bửu là xã vùng sâu của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Xã giáp ranh với xã Trường Xuân, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, khá phức tạp về trật tự trị an địa bàn. Do đó, lực lượng vũ trang địa phương đã tập trung huấn luyện các phương án chiến đấu linh hoạt, phù hợp. Dân quân xã được trang bị những kiến thức cơ bản về quốc phòng an ninh, nắm vững đặc thù của địa bàn giáp ranh, phối hợp chặt chẽ với công an tuần tra bảo vệ an toàn địa bàn, ứng cứu giúp dân hiệu quả khi xảy ra bão lũ. Sẵn sàng chiến đấu khi có các tình huống xảy ra.

Tình cờ biết được câu chuyện chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Thuận là người từng vào vai em bé trong phim “Cánh đồng hoang” hơn 35 năm trước. Cùng với lời mời thiết tha của em gái anh Thuận, cô Nguyễn Thị Giàu, hiện là Bí thư Đoàn xã Vĩnh Đại, chúng tôi lên ca-nô đến thăm nhà anh Thuận ở ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu.

Bà Trương Thị Thu - mẹ của Thuận kể lại câu chuyện bé Thuận mới 9 tháng tuổi tham gia đóng phim “Cánh đồng hoang” như chuyện mới xảy ra hôm qua. Như chuyện bà đang ngồi nấu nướng thì có người chạy tới la lớn: “Con bà bị người ta ném xuống sông…”, bà hốt hoảng chạy tới, đạo diễn Hồng Sến biết chuyện an ủi: “Thôi con lại đằng kia ăn hột vịt lộn đi…”. Rồi khi quay cảnh bé Thuận bị dồn vào túi nilon, nhận chìm xuống nước, đạo diễn Hồng Sến khéo léo đưa bà Thu đi chỗ khác. “Vì Bác Hồng Sến là người nhà nên bác biểu sao tôi nghe vậy” - bà Thu tâm sự.

Nguyễn Văn Thuận cho biết: Khi lớn lên định theo nghiệp diễn viên điện ảnh nên anh đã 4 năm đèn sách lên thành phố học với mơ ước theo nghề của đạo diễn Hồng Sến. Nhưng năm 1995, đạo diễn Hồng Sến đổ bệnh và qua đời, anh Thuận trở về quê hương làm ruộng, cưới vợ, sinh con. Là chiến sĩ dân quân của xã Vĩnh Bửu, anh cũng là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.

Sau giải phóng, vợ chồng ông Việt rất nghèo với hơn 1ha ruộng trồng lúa 1 vụ rất bấp bênh. Học xong lớp 12, Thuận nghỉ học ở nhà giúp ba mẹ làm ruộng. Thế rồi trên mảnh đất từng một thời chiến trường khói lửa, chàng diễn viên nhỏ tuổi ngày nào đã vật lộn quên mình, hết khai hoang, đắp bờ, lên liếp, thau ngọt, xả phèn cải tạo đất. Từ 1ha ban đầu, dần dần gia đình ông Việt đẩy mạnh khai hoang phục hóa, tích lũy vốn liếng mua thêm ruộng đất phát triển sản xuất. Sau khi cưới vợ, anh Thuận ra ở riêng với 10ha ruộng trồng lúa 2 vụ, có máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy bơm, xuồng ghe... trị giá tài sản khoảng 10 tỷ đồng, thu hoạch từ 10ha ruộng mỗi năm trên 100 tấn lúa.

Những năm qua, lực lượng dân quân xã Vĩnh Bửu, trong đó có chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Thuận luôn đồng cam cộng khổ sát cánh cùng nhân dân trên trận tuyến mới, xung kích đi đầu trong các phong trào cách mạng của địa phương nơi địa bàn giáp ranh, cũng là địa bàn đầu nguồn cơn lũ của tỉnh Long An. Anh cùng đồng đội, tham gia tuần tra bảo vệ an ninh trật tự địa bàn, lặn lộn trên trận tuyến phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân lao động sản xuất, xây dựng cầu đường nông thôn. Bóng áo xanh của người chiến sĩ dân quân luôn thấp thoáng trên mọi nẻo làng quê đã góp phần dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.  

Từ diễn viên nhỏ tuổi trong phim “Cánh đồng hoang”, giờ là chiến sĩ dân quân thường trực, cũng là một “tỷ phú” ở Đồng Tháp Mười với ruộng đất “thẳng cánh cò bay”. Nguyễn Văn Thuận đang biến cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười thời chiến tranh trở thành cánh đồng lúa vàng như huyền thoại ngày nay.

Trung Dũng