Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu

Từ sự trưởng thành trong tư duy lý luận và sự kiểm chứng trên thực tế, các Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới đều khẳng định bài học: Đổi mới phải luôn quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”; phải thực sự dựa vào dân, vì lợi ích của dân.

Tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận thực tế, những năm gần đây một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chỉ lo vun vén, thậm chí vơ vét cho bản thân mà thờ ơ, vô cảm trước dân! Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, hình thức; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chủ yếu mới dừng ở “dân làm”. Căn bệnh độc đoán, chuyên quyền, dân chủ hình thức đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của dân vào Đảng và chế độ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phần tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, bài học kinh nghiệm thứ 2 về Dân đã được Đại hội xác định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”.

Nhận thức mới của Đảng ta về quan điểm “lấy dân làm gốc” là: Dân không chỉ biết, dân không chỉ bàn, dân không chỉ làm, mà dân còn giám sát và thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Chính vì thế Đảng phải “Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu để phấn đấu”.

Nghĩa là, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Phạm Nhật Bằng