Trở về sau cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, là thương binh nặng và cả 4 bố con bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, ông Hoàng Phi Thường đã làm những việc phi thường và nay là Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch 27/7 tỉnh Hải Dương; nơi đây được coi là ngôi nhà chung ấm áp của con em đồng đội, con em liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam.

Trong nhiều năm bươn trải, lo tìm kiếm công ăn việc làm, tạo các mối quan hệ với các đối tác để kinh doanh tăng thu nhập; trong lòng ông luôn có món nợ canh cánh, món nợ ân tình trả nghĩa và tri ân đồng đội. Trong cơ chế thị trường làm ăn cũng có lúc thắng, lúc thua nhưng bất cứ điều kiện nào, ở đâu, làm gì trong trái tim và công việc của ông bao giờ cũng giành một phần cho đồng đội.

Điều chúng tôi, những nạn nhân da cam cảm nhận và đánh giá cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ trong ông là khát vọng sống, vượt lên chính mình. Với ông để trả dần món nợ cho đồng đội không còn cách nào khác phải kiếm được nhiều tiền, năng động, đổi mới để tồn tại, phát triển và để tri ân đồng đội với ông trước tiên là tìm mọi cách kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ, vận động xây dựng thành lập nhiều tổ chức xã hội để giúp đồng đội, các CCB, cựu quân nhân, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tham gia giúp đỡ nhau làm kinh tế trên mặt trận mới...

Nhiều năm qua, bằng công sức, trí tuệ ông đóng góp tiền của để thành lập Hội Doanh nhân CCB và quỹ ban đầu của các Hội. Ông thực sự là linh hồn của nhiều cơ sở Hội mới thành lập ở Hải Dương như Hội Doanh nghiệp CCB, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Thanh Hà... Trong nhiều năm, vào dịp tết, các ngày lễ trọng đại của đất nước, nhất là ngày 27-7, 30-4... ông dành nhiều phần quà trị giá hàng trăm triệu đồng cùng các tổ chức Hội đến thăm và tri ân cho đồng đội. Ông đã nhiều lần đến với vùng sâu, vùng xa, về với đồng đội đang đau ốm, truyền cảm hứng sống cho con cháu - những đứa con tật nguyền, bất hạnh, những mảng đời đau thương nghiệt ngã, sẻ chia làm vơi bớt nỗi đau da cam.

Mặc dù làm kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ông Hoàng Phi Thường vẫn dành nguồn lực hỗ trợ thường xuyên, lâu dài, giúp nhận đỡ đầu chăm sóc 2 Mẹ VNAH đến cuối đời và gần đây nhất, tháng 5-2019, ông Thường nhận trợ cấp suốt đời cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ hai Nguyễn Thị Thêu (500.000 đồng/tháng), sinh năm 1986 bị bệnh bại liệt, cháu sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nơi bố cháu là nạn nhân da cam và là bạn đồng ngũ, đồng môn ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, để chia bớt nỗi khốn khó nhọc nhằn cho đồng đội, giúp gia đình có thêm nguồn lực chăm sóc nạn nhân da cam.

Với ông Hoàng Phi Thường còn là nơi tìm về, nhờ cậy của rất nhiều đồng đội, là nơi truyền cảm hứng sống vượt lên của nạn nhân da cam; với ông cũng là niềm hy vọng, khát vọng vươn lên của chúng tôi.

Phạm Hữu Trịnh