Là trung đội phó, cô được giao nhiệm vụ phụ trách một trung đội dân công, hàng ngày vận chuyển lương thực, thực phẩm ra mặt trận. Đồng chí Chu Huy Mân thường nửa đùa, nửa thật: "Trước khi đi chiến dịch, đề nghị anh Ba hỏi đồng chí Nông Ngọc Bang bên vận tải cho đồng chí Am, không gay lắm... "Nhà" có cô con gái như quả bom nổ chậm". Anh Ba cười "Nhất trí thôi!". Còn Am thì giãy nảy: "Ứ, em không đâu! Em không đâu!". Nhưng mọi người đều đồng thanh: "Trung đội phó chuẩn bị đi, sau chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức cưới là vừa". Chính từ bữa đó, "chuyện của hai người" không chỉ trong cơ quan đại đoàn biết, mà còn lan sang cả bên vận tải, mặc dù chưa lần nào họ được ngồi bên nhau tâm sự.

Hôm Am dẫn đoàn dân công đi ra mặt trận, ngang qua đội vận tải đang nguỵ trang xe ô tô, anh Mỹ ở đơn vị anh Bang gọi Am, mục đích là để hai người có điều kiện gặp nhau: "Đồng chí Am ơi, cho chị em vào đây nghỉ chân tý đã". Am nhỏ nhẹ: "Thôi, để khi khác, bọn em phải về chuẩn bị đóng hàng kẻo tối". Thế là hai người vẫn chưa gặp nhau. Mỗi ngày, mỗi người trong đơn vị cô phải gánh hai bồ gạo, thịt nặng ba bốn chục cân, đi năm cây số đường rừng, ba cây số đường không có cây (do bom phá) và hai cây số đường hầm mới đến trận địa, giao cho các bếp Hoàng Cầm, lúc về lại cân gạo, mổ lợn ướp chuẩn bị cho ngày hôm sau. Đoạn đường ấy không ngày nào ngớt tiếng bom rơi đạn nổ, có khi chỉ nhanh chậm vài phút là đổ máu, hy sinh...

Sau chiến dịch về tổng kết, Trần Thị Am được bầu là chiến sĩ thi đua đại đoàn, được đưa tin trên báo Đại đoàn 316. Một anh liên lạc xuống gọi đồng chí Am lên gặp trưởng phòng chính trị có việc cần. Lên đến nơi, Am được anh Tuệ hỏi hai vấn đề: "Thứ nhất, phổ biến kết quả đại hội mừng công và nhiệm vụ trong thời gian tới đến anh em chưa?". Am trả lời: "Đã triển khai đầy đủ đến từng anh em chiến sĩ". "Thứ hai, Đại đoàn định đặt vấn đề cho đồng chí với dồng chí Bang xây dựng với nhau, đồng chí thấy thế nào?. "Rót nước cho Am, anh nói tiếp: "Gia đình là tổ ấm, là tế bào của xã hội, ai cũng đều phải có, hơn nữa Am là chiến sĩ thi đua, là cấp uỷ viên, đơn vị phải có trách nhiệm". Thấy Am ngồi im, anh nhỏ nhẹ: "Thôi, cứ về cân nhắc cho kỹ, sau ba ngày nữa sẽ lên đây trả lời với tổ chức".

Am ngồi vê vê tà áo bùi ngùi xúc động: "Bố mẹ tôi mất sớm, là người của Đảng, Đảng đặt đâu tôi ngồi đó". Mấy ngày sau, hai đồng chí Bí thư chi bộ hai đơn vị dẫn Am và Bang đến gặp nhau, tìm hiểu. Được tổ chức cho phép, họ ngồi với nhau gần một tiếng đồng hồ, hỏi thăm quê quán, cha mẹ, rồi nói những chuyện đâu dâu, nghiêm đến nỗi hai người không dám ngồi gần để cầm tay nhau.

Ngày 30-8-1954, Đảng đứng ra tổ chức đám cưới cho Am và Bang ở đình làng Phượng Mao, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, do đồng chí Đại đoàn trưởng làm chủ hôn. Bảy giờ tối tổ chức mà bốn giờ chiều, chính trị viên vẫn còn đi liên hệ nhà dân cho hai anh chị. "Tài sản" của vợ chồng chỉ có hai chiếc ba lô. Cưới nhau được ba ngày thì anh Bang đi chỉnh huấn.

Mười sáu năm vợ chồng xa nhau, mỗi người công tác một nơi, xuân thu nhị kỳ mới gặp, mãi đến năm 1970, ông về hưu ở phường Tân Dân, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), vợ chồng mới thực sự gần nhau, cùng nhau chăm sóc nuôi dạy năm người con khôn lớn trưởng thành. Đến nay, ông bà có mười người con, cả dâu lẫn rể, trong đó, có tám người là đảng viên, chín người có trình độ đại học trở lên.

Tuy đã lên ông bà, nhưng lúc ông còn sống, vợ chồng vẫn động viên nhau "năm anh mười em" chứ chưa bao giờ nặng lời với nhau một câu. Bài thơ bà viết tặng ông trước lúc về Hà Nội chăm con gái sắp sinh đã chứng minh điều đó:

Hai ta tuy tuổi đã già

Tình chồng nghĩa vợ đậm đà sắt son...

Cơm ngon canh ngọt mát lòng

Cuộc đời thanh bạch sống trong ân tình

Mai ngày con gái sắp sinh

Thương con tôi tạm xa mình mình ơi!

Chỉ đi một tháng mà thôi

Cháu ngoan, con khoẻ thì tôi lại về!...

ĐỖ KHẮC CHÙY