Vấn đề là, không phải lúc nào đa số cũng đúng. Thậm chí, phần lớn những phát minh khoa học lớn của nhân loại cho đến nay đều do các cá nhân hay nhóm rất nhỏ các nhà khoa học phát hiện ra, nó thường không dễ được số đông chấp nhận ngay từ đầu.
Ở nước ta cũng vậy. Bài học về xây dựng nhà máy điện nguyên tử cho chúng ta thấy không phải vấn đề gì cũng đúng khi quyết định theo số đông. Các đại biểu Quốc hội của chúng ta, dù đều là những người tâm huyết, vì dân, vì nước nhưng thử hỏi mấy người đủ trình độ, đủ kiến thức chuyên sâu để nhấn nút quyết định đồng tình hay phản đối dự án. Rõ ràng, với một lĩnh vực như điện nguyên tử, rất cần một đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có tâm, có tầm để đánh giá dự án một cách thấu đáo trước khi cung cấp thông tin để các đại biểu quốc hội xem xét, quyết định.
Không riêng gì lĩnh vực điện nguyên tử, gần như mọi lĩnh vực, nước ta đang đứng trước những thử thách rất ngặt nghèo để giải bài toán giữa việc bảo đảm thể chế dân chủ và lắng nghe ý kiến của thiểu số tinh hoa.
Công tác cán bộ là một ví dụ. Một thời gian, chúng ta lo lắng vì thiếu cán bộ trẻ đảm trách những chức vụ lớn. Ào một cái, thông qua bầu cử, ở mọi cấp từ cơ sở đến T.Ư xuất hiện những cán bộ rất trẻ, giữ những chức vụ rất to. Rất nhanh sau đó, chúng ta nhận thấy khá nhiều những cán bộ “tiến bộ nhanh” đó thuộc công thức “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ”. Nào chuyện “Giám đốc sở tuổi 30 ở tỉnh Quảng Nam”, chuyện “cả nhà làm quan” ở nhiều nơi, chuyện “quan lộ thần tốc của hotgilr xứ Thanh”, chuyện bổ nhiệm khi cán bộ vẫn đang đi du học ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ…
Thậm chí, ở một số địa phương, con em lãnh đạo dự bầu cấp ủy cấp dưới không trúng thì lại lọt vào cấp ủy cấp trên thông qua bầu cử. Những việc này, khi có dư luận, các cấp tiến hành kiểm tra, rà soát lại thấy mọi việc đều “đúng quy trình”. Thì đúng rồi, mọi việc đều thông qua bàn bạc dân chủ trong cấp ủy, rồi đến đại hội bầu cử công khai, minh bạch.
Vậy cái sai nằm ở đâu? Cái sai nằm ở mối quan hệ giữa đa số “quần chúng” và thiểu số tinh hoa mà chúng ta chưa tìm ra cơ chế giải quyết cho thỏa đáng. Một cán bộ cấp Thường vụ Tỉnh ủy đã thừa nhận trên báo chí: Xem lại quy trình thì thấy mọi việc đều minh bạch, nhưng đúng là khi cấp trên chỉ rõ cái sai thì tôi mới nhận ra rằng, nếu đồng chí cán bộ trẻ kia mà không phải là con trai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thì đường “quan lộ” không dễ dàng như vậy!
Giải bài toán hài hòa giữa đa số “quần chúng” và thiểu số tinh hoa không hề dễ. Một quốc gia phát triển với dân trí cao như nước Mỹ mà cũng nhiều phen không giải quyết nổi. Cho nên, nước Mỹ vẫn phải bầu Tổng thống qua cơ chế đại cử tri và nhiều Tổng thống Mỹ đã trúng cử khi không phải là người thắng về số lượng phiếu phổ thông.
Ở nước ta hiện nay, làm thế nào để công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thông thoáng và tìm được người tài chứ không phải người nhà? Chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng có điều chắc chắn chúng ta phải làm là phá thế đơn độc trong cách làm hiện nay.
Trước hết là phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nhưng trên tinh thần đổi mới và sáng tạo. Chẳng hạn, bầu người đứng đầu cấp ủy phải tuyệt đối dân chủ nhưng khi đã bầu rồi thì phải dành cho người bí thư cấp ủy một không gian quyền lực phù hợp để làm công tác cán bộ. Họ được quyền bổ nhiệm những chức danh thuộc quyền và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp mà không phải thông qua? Hay việc mạnh dạn giao việc những Bộ trưởng, Giám đốc sở không phải là đảng viên? Những người này khi làm nhiệm vụ phải tuân thủ pháp luật, vận hành theo cơ chế, thừa nhận và tuân theo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng… Làm như vậy quả là khó, có nhiều rào cản phải vượt qua. Nhưng nếu không thử, không táo bạo, chúng ta khó có thể đổi mới công tác cán bộ.
Xét đến cùng, chúng ta phải nhận thức đúng để tìm ra cách giải bài toán giữa đa số “quần chúng” và thiểu số tinh hoa trong khi vẫn tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là một vấn đề cốt lõi mà các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý cần quan tâm hiện nay.
Nguyễn Hồng Hải