Tại buổi làm việc, theo ông Trần Đình Liệu - Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 của BHXH Việt Nam, ước đến hết tháng 6-2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,7 triệu người, BHXH tự nguyện 241.000 người, tỷ lệ người tham gia BHXH tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng số lượng đối tượng tham gia BHXH tăng như trên chưa đáp ứng kỳ vọng của chính sách, cách xa với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra đến phải có 50% lao động (khoảng 27 triệu người) tham gia BHXH vào năm 2020, trong đó 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Nhằm đạt mục tiêu tăng độ bao phủ của BHXH theo Nghị quyết 21, một trong những giải pháp chính là tăng lượng BHXH tự nguyện. Năm 2016, người lao động tham gia BHXH tự nguyện là 306.690 người chiếm 0,485% số người lao động thuộc diện tham gia. Tuy nhiên, tỷ lệ này kém xa so với mục tiêu Nghị quyết số 21 - NQ/TW. Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ cho biết, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 600.000 - 700.000 người nhận BHXH một lần, như vậy số thực tăng không đáng kể.
Hiện nay, tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do còn chiếm tỷ trọng áp đảo, riêng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp lên tới hơn 20 triệu người, gần gấp đôi tổng số lao động tham gia BHXH cả nước. Trong khi đó, tuyệt đại đa số người lao động ở khu vực này chưa tham gia BHXH. Muốn thu hút người lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, họ phải được đặt vào vị trí là khách hàng. Nghĩa là ngành BHXH phải tìm đến họ, marketing về sản phẩm của mình, giúp khách hàng thấy được lợi ích khi tham gia BHXH. Các mức đóng BHXH tự nguyện nên được chia thành nhiều gói có giá trị khác nhau để khách hàng lựa chọn phù hợp với mức thu nhập và nhu cầu của bản thân.
Tại buổi tọa đàm “Phát triển đối tượng tham gia BHXH” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ra nhiều gói bảo hiểm phù hợp với các thành phần lao động. Trong đó chú trọng đến quyền lợi của nhóm lao động thời vụ hoặc ngắn hạn để thu hút đối tượng này tham gia. Theo ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án về việc giao chỉ tiêu tham gia BHXH tới các địa phương, phối hợp với cơ quan thuế để xác định số lao động đang làm việc ở các đơn vị đóng thuế. Đồng thời tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy được quyền lợi pháp lý trong việc tham gia BHXH, người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi hợp pháp khi tham gia BHXH. Ngoài ra, một chính sách mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2018, đó là Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH cho hộ nghèo khu vực nông thôn. Hộ nghèo được hỗ trợ 30% và hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% mức đóng trên chuẩn hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn.
Một trong những biện pháp nữa, ở nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Nhà nước cần có cơ chế hiệu quả để phát hiện, xử lý những trường hợp chủ sử dụng lao động trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Khi động viên được người lao động tự do, lao động ở khu vực nông thôn, nông dân tham gia BHXH; xử lý nghiêm những doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động được tiến hành đồng thời với những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tỷ lệ lao động tham gia BHXH chắc chắn sẽ tăng nhanh. Như vậy mới có thể hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 21/NQ-TW đề ra.
Mai Anh