Xung quanh hồ, cụ thể là ở phía Nam và phía Tây hồ, nguyên liệu, phế thải đổ tràn lan cho dù đã có biển cấm. Đặc biệt gần hồ Hữu Tiệp ngày trước chợ họp thường ngày, gần năm nay con đường được đổ bê tông, hai bên bờ có hàng rào bằng sắt, nhưng nó vẫn là chợ cóc, nhất là sáng sớm và chiều muộn người mua, người bán không kém gì xưa; trường PTCS Ngọc Hà, các cháu còn nhỏ nên ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cũng có hạn, phụ huynh đưa đón các cháu có người cũng thiếu ý thức thường là vất vô tư đồ gói, hoặc đồ ăn thừa xuống hồ vào buổi sáng rất nhiều…
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài các vật liệu xây dựng, phế liệu xung quanh hồ, trên mặt hồ có nhiều rác gồm: túi nilon, vỏ sữa, rau, cá chết, chuột chết… làm cho hồ bốc lên mùi tanh hôi rất khó chịu. Nhất là những ngày hè nóng bức vừa qua, nước hồ cạn, mùi hôi thối bốc lên càng nồng nặc hơn.
Xác chiếc máy bay rơi nằm nghiêng về phía đông, do nước thường xuyên cạn, lại bị ô nhiễm nặng nên đã han, ghỉ nhiều so với nguyên trạng trước đây. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp bảo quản kịp thời, lốp máy bay bị phân hủy thì có nguy cơ xác chiếc máy bay sẽ bị đổ sập. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó xác chiếc máy bay này không thắng được mưa, nắng thì Di tích có khi chỉ còn tấm biển! Buồn thay…
Bà H. (bà xin dấu tên) một người bán hàng tại cửa hiệu cạnh hồ cho biết: “Tôi rất buồn vì hồ Hữu Tiệp là một di tích lịch sử, ngày xưa rất đẹp, thơ mộng mà nay ô nhiễm, bẩn thỉu kinh khủng. Người xung quanh hồ vứt rác, người ở nơi khác đi qua cũng vứt rác khiến hồ ngày càng chết dần chết mòn. Mà mấy tháng nay đem bê tông hóa, cạp bờ phía tây to quá, làm lòng hồ vừa hẹp lại, vừa cứng như cái giếng”
Gần trưa ngày 1-6 tôi đứng ở hồ chỉ chừng nửa giờ đã có 2 nhóm khách du lịch nước ngoài đến thăm khu di tích. Tôi rất buồn và cảm thấy xấu hổ vì có những vị khách phải vừa bịt mũi vừa giơ máy ảnh lên chụp xác máy bay. Tôi còn nhớ tháng 9 năm ngoái vị du lịch tên Brady người Mỹ sau khi xem cảnh hồ ngao ngán nói với tôi:

  • Hồ của các bạn gắn với chiến tích lịch sử rất quan trọng nhưng người dân ở đây không có ý thức bảo vệ, nên hồ đang bị ô nhiễm rất nặng. Chắc là không còn lâu nữa xác chiếc máy bay sẽ bị han ghỉ. Các bạn phải có biện pháp gì để bảo vệ di tích quý hiếm này ngay đi chứ?
    Tôi chỉ là một sinh viên trong nhóm sinh viên tình nguyện dọn môi trường vào các sáng thứ bảy hằng tuần và chúng tôi đã chuyển ý kiến của nhiều du khách nước ngoài phản ánh về sự xuống cấp rất nghiêm trọng của hồ Hữu Tiệp. Nhưng rõ ràng là những ý kiến của chúng tôi dường như chưa được các cơ quan chức năng “xem xét”. Gần đây hồ Hữu Tiệp có được nạo vét bùn và cạp lại bờ phía tây, nhưng chợ cóc vẫn họp, rác thải vẫn đổ xuống, hồ vẫn ô nhiễm, nước hồ bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu.
    Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, có ngay những biện pháp hữu hiệu để bào vệ di tích, không để hồ Hữu Tiệp tiếp tục chịu cảnh ô nhiễm lâu hơn, trả lại cảnh quan cho hồ nước gắn với di tích lịch sử có một không hai này. Nếu vẫn tiếp tục quản lý kiểu “cha chung không ai khóc” thế này thì rất khó.
    Bài, ảnh: Minh Vương- Ngọc Vi
    Học viện báo chí tuyên truyền, Cầu Giấy, Hà Nội